(Xây dựng) - Triển khai đồ án Quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011), TP Hà Nội phải thực hiện đồng thời 31 đồ án QHC các huyện, thị xã, thị trấn huyện lỵ, đô thị vệ tinh… và 38 đồ án quy hoạch phân khu đô thị (QHPK). Với khối lượng lớn, tính chất phức tạp, Hà Nội đang triển khai các đồ án này như thế nào?
Hoàn thành 1/3 các đồ án quy hoạch phân khu
Theo báo cáo của Sở QHKT Hà Nội, trong 31 đồ án QHC, duy nhất đồ án QHC thị trấn Kim Bài đã được duyệt. 30 đồ án QHC còn lại hiện đã được báo cáo Hội đồng thẩm định và tập thể UBND TP.
Riêng về QHPK, Bộ Xây dựng triển khai 3 đồ án là QHPK Khu Trung tâm chính trị hành chính Ba Đình; QH Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, QHPK bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa. 35 đồ án QHPK còn lại do Hà Nội triển khai.
Sau 3 năm thực hiện (kể từ thời điểm QHC Thủ đô được duyệt), đến nay, trong 3 đồ án do Bộ Xây dựng thực hiện thì QH Khu Trung tâm chính trị hành chính Ba Đình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 2 đồ án còn lại cũng đã được phê duyệt nhiệm vụ QH.
Còn trong tổng số 35 đồ án QHPK do Hà Nội thực hiện, 13 đồ án gồm QHPK N1, N2, N3, N4, N5, N7, N8, N9, S1, S2, S3, S4, S5 được UBND TP đã phê duyệt; 2 đồ án QHPK đã trình UBND TP phê duyệt; 11 đồ án đã báo cáo tập thể UBND TP; 1 đồ án đã báo cáo Hội đồng thẩm định và 8 đồ án còn lại đang được triển khai lập theo nhiệm vụ QH đã được UBND TP phê duyệt.
Nhận định về hiệu quả công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt QH, ônh Bùi Mạnh Tiến - Phó giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho biết: Sở đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã trong quá trình lập, tổ chức lấy ý kiến, thẩm định và trình duyệt các đồ án QHC, QHPK, QH chi tiết liên quan. Các địa phương đã cùng Sở rà soát, bổ sung quỹ đất hạ tầng xã hội như trường học, chợ, nhà văn hóa, công viên, vườn hoa tại khu vực các quận nội thành. Sở cũng đã phối hợp tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư các đồ án QHC, QHPK và các quy chế quản lý QH kiến trúc, QH chi tiết bảo đảm phù hợp Luật Quy hoạch Đô thị và các văn bản hướng dẫn liên quan…
Nóng lòng chờ quy hoạch
Tuy nhiên, theo ông Bùi Mạnh Tiến, công tác QH, triển khai và kiểm tra giám sát việc thực hiện QH của Hà Nội còn bộc lộ những tồn tại. Tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các QH, quy chế còn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Chất lượng đồ án QH nhiều khi chưa giải quyết thấu đáo mâu thuẫn gi���a phát triển và cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu, giữa xây dựng nông thôn mới với việc giữ gìn, phát huy bản sắc các địa phương và định hướng đồ án QHC xây dựng thủ đô, giữa nhu cầu đầu tư với bảo tồn, gìn giữ các di sản kiến trúc cảnh quan...
Còn theo đánh giá của Phó Chủ tịch huyện Mê Linh Hà Huy Quang: Chưa thời điểm nào công tác QH được quan tâm như vài năm trở lại đây. Dẫu vậy, ông Quang cũng cho rằng: Mặc dù quyết tâm rất cao, tiến độ đã được đẩy nhanh nhưng với đà thực hiện nhiệm vụ như hiện nay, công tác QH sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Liên quan đến huyện Mê Linh, hiện phân khu GN vẫn chưa xong. Điều này đã gây ra một số khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong công tác quản lý, lập QH theo phân cấp.
Và huyện Mê Linh không phải là địa phương duy nhất của Hà Nội kêu "vướng" bởi các đồ án QHPK, QHC huyện, thị xã, thị trấn chưa được duyệt. Để gỡ vướng, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở QHKT Hà Nội đã có thông báo danh sách 67 dự án thuộc diện được tổ chức lập QH tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ, không chờ đến khi QHPK được phê duyệt. Sở có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện trên cơ sở các QHPK đô thị đã được tập thể UBND TP thông qua.
Theo danh sách 67 dự án do Sở QHKT Hà Nội công bố, các dự án đang chờ QHPK H2 - 1, H2 - 2, H2 - 3, N10, N11, GN, GS và QHC xây dựng các huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn, Mỹ Đức, thị trấn Đại Nghĩa - huyện Mỹ Đức, thị trấn sinh thái Chúc Sơn, Phúc Thọ…
Trước đó, tại lễ công bố QHC Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu: UBND TP Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức lập và phê duyệt các QHPK, QH chi tiết trên toàn bộ địa bàn TP; quản lý việc đầu tư phát triển theo đúng QH được duyệt. Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc tổ chức lập QHPK, QH chi tiết và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quản lý phát triển đô thị…
Cơ hội để Thủ đô hoàn thiện và chỉnh trang đô thị
Khác với khi lập QHC, QH chi tiết các quận, huyện, thị xã, thị trấn huyện lỵ, đô thị vệ tinh, QHPK không phụ thuộc vào ranh giới hành chính của mỗi quận, huyện.
QHPK trước hết phải phù hợp với các nội dung yêu cầu của đồ án QHC Thủ đô về dân số, tạo quỹ đất hỗ trợ nội đô trong di dời cơ sở sản xuất, trường đại học, bệnh viện, cơ quan bộ, ngành Trung ương; xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đầu mối, tạo nguồn lực từ quỹ đất..., đồng thời phải đáp ứng các nhu cầu cấp bách của TP, chia sẻ các chức năng còn thiếu với đô thị trung tâm thông qua việc dành các quỹ đất di dời, các quỹ đất đấu giá, đất dịch vụ, giãn dân, phục vụ HTKT và xã hội...
QHPK có sự quan tâm thích đáng đối với các làng xóm, khu dân cư hiện hữu nhằm hỗ trợ; bổ sung các chức năng hạ tầng đô thị còn thiếu; bảo tồn, phát huy các giá trị không gian làng xóm truyền thống, di tích và xử lý tốt ranh giới giữa đô thị mới và làng xóm. QHPK tạo lập các không gian đặc trưng, không gian tổ chức các sự kiện, tạo hình ảnh đặc sắc cho mỗi phân khu, mỗi quận, huyện.
Do vậy, theo ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Quận ủy Q.Nam Từ Liêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, việc Hà Nội triển khai 38 đồ án QHPK là cơ hội vàng và có thể là cơ hội cuối cùng để Thủ đô hoàn thiện và chỉnh trang lại đô thị lịch sử.
Quý Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét