Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm: Đề phòng tình huống xấu nhất

Nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc (TQ); tiếp tục tăng cường các lực lượng thực thi pháp luật (Cảnh sát biển, kiểm ngư) buộc tàu TQ ra khỏi vùng chủ quyền của Việt Nam (VN); hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh bắt trên ngư trường truyền thống… Đó là những khuyến nghị tâm huyết của Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm trong cuộc trao đổi với PV Đại Đoàn Kết chiều 3-7-2014.

Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm: Đề phòng tình huống xấu nhất - 2014_185_12_a1.jpg
Tàu Trung Quốc đâm trực diện vào tàu của Cảnh sát biển Việt Nam

Bình tĩnh nhưng phải cảnh giác

Nhắc lại các mốc sự kiện Trung Quốc (TQ) chủ động gây hấn và tấn công Việt Nam (VN) trên bộ, trên biển vào các năm 1974, 1979, 1988 và nay là hạ giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của VN, Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm cảnh báo: bên cạnh việc sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển hiện nay, VN cũng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Lịch sử đã cho thấy không thể loại trừ tư tưởng bành trướng và hành động rất khó lường của TQ. "Năm 1979 khi xua 60 vạn quân qua đánh 5 tuyến dọc biên giới phía Bắc của nước ta, nhà cầm quyền TQ lúc bấy giờ ngụy biện trắng trợn tuyên truyền với dân nước họ là chiến tranh tự vệ, nói với quốc tế là "dạy cho Việt Nam một bài học". Rồi năm 1974, năm 1988 và đến nay là trên Biển Đông, họ đều lật lọng đổi trắng thay đen. Do đó, nhất thiết phải nhìn một cách thẳng thắn, đánh giá đúng đắn, để không mất cảnh giác trước TQ" - ông Lâm nói.

Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm: Đề phòng tình huống xấu nhất - 2014_185_12_a2.jpg


Chuẩn đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm
trong cuộc trao đổi với PV Đại Đoàn Kết
Ảnh: Hồng Phúc

Ông Lê Kế Lâm cũng nhắc lại lịch sử hào hùng của cha ông, từ thiên niên kỷ thứ nhất, nước ta bị TQ đô hộ và họ gọi là An Nam đô hộ phủ. Năm 938 vua Ngô Quyền đã đứng dậy tập hợp nhân dân đánh thắng quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng, ta giành được độc lập. Trong các triều đại sau đó, TQ đánh VN tổng cộng 14 lần đều thua. Từ truyền thống như vậy, ông Lâm cho rằng, ngày nay trên nền kinh nghiệm chống ngoại xâm của cha ông, dù kiên trì với biện pháp đấu tranh hòa bình nhưng vẫn cần rất nhiều hướng tiếp cận nhằm đảm bảo độc lập, tự chủ về mọi mặt, trước tiên là kinh tế phải đủ mạnh để nâng tầm các lĩnh vực khác và kiến nghị: "Đảng và Nhà nước nên chọn cách tiếp cận tốt nhất, h���p lý nhất, được lòng dân nhất và theo trào lưu nhân loại tiến bộ nhất của nhân loại để xây dựng đất nước VN nhanh chóng tiến lên một cách bền vững để thoát khỏi vòng cương tỏa của các thế lực ngoại xâm".

"Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, truyền hình cần thu thập bằng chứng, phân tích ý đồ trên của TQ để vạch trần cho quốc tế và ngay cả những người dân TQ nữa. Đồng thời, bằng nhiều hình thức để tranh thủ sự ủng hộ, công luận của các tổ chức quốc tế đòi lại công bằng cho ngư dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ" - ông Lâm khuyến nghị đồng thời mong muốn ngư dân tiếp tục dũng cảm ra khơi, tiếp tục thể hiện sự kiên cường bám biển của mình; về phía Nhà nước cần có hỗ trợ cho ngư dân về mọi mặt, đặc biệt là tàu thuyền, ngư cụ đánh bắt; khi phát hiện tàu TQ đe dọa tấn công ngư dân cần thông báo cho kiểm ngư, cảnh sát biển để có sự bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, bằng mọi cách tránh tổn thất cho ngư dân.

Trong cuộc trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm dành nhiều thời gian bình luận về bài báo đăng trên Hoàng Cầu Thời báo của TQ vào ngày 3-7 đã xuyên tạc, bóp méo lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Lâm cho biết, theo dõi thường xuyên tờ Hoàn Cầu Thời báo thì không lạ gì trước một bài bôi nhọ, xuyên tạc sự thật của tờ này. Tuy nhiên, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế đăng toàn văn, công khai như vậy mà Hoàn Cầu Thời báo vẫn có thể xuyên tạc, bóp méo được thì quả là một trò cười cho dư luận quốc tế. Như thường lệ, Hoàn Cầu Thời báo tham vấn một học giả có tư tưởng hiếu chiến, trong khi cố ý cắt xén lời phát biểu của lãnh đạo Việt Nam và kích động bạo lực. Bài phát biểu của Tổng Bí thư với thiện chí mong muốn hòa bình, thượng tôn pháp luật, xử lý vấn đề trên tinh thần đối thoại theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, coi trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc thì Hoàn Cầu Thời báo cố tình xuyên tạc và kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Tất cả để lấp liếm đi những hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của VN trên biển Đông trong hơn 2 tháng qua.

Phải thoát khỏi lệ thuộc kinh tế

Khi đề cập đến việc phải xây dựng một nền tảng kinh tế giàu mạnh, ông Lâm cho rằng, trước hết phải thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế. Ông cho biết, suốt nhiều năm qua, lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý kinh tế của một số địa phương, thương lái TQ đã thu mua, đầu cơ các sản phẩm nông nghiệp của nông dân, gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước. Gần đây nhất là trường hợp thương lái nước này thu mua hoa thanh long tại Bình Thuận và Trà Vinh; ớt, địa sâm (Huế), hạt ươn (Quảng Nam), thu mua vải thiều (Hải Dương), khoai tây (Đà Lạt),… "Họ mua từng con cá, từng củ khoai, từng quả dừa với giá cao rồi đột ngột hạ giá xuống thấp gây thiệt hại cho bà con nông dân. Trong khi đó, chúng ta nhập linh kiện TQ hầu như toàn bộ trong các công trình nhưng cũng không có sự quản lý nào chặt chẽ", ông Lâm nói và cảnh báo: "Chúng ta phải tìm cách làm thế nào để thoát ra khỏi TQ, tất nhiên thoát ra thì có đau đớn nhưng thà tổn thất đau đớn một thời gian còn hơn chúng ta bị lệ thuộc". Ông Lâm cũng cho rằng, triệu triệu người Việt Nam sẽ như một và không bao giờ chấp nhận làm một nước lệ thuộc vào TQ.

Bình luận về hiện tượng doanh nhân Phạm Ngọc Lâm (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải) đã mạnh dạn mua 100 tàu cá với mong muốn duy trì sự đánh bắt cá thường xuyên trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, ông Lâm nói: Bỏ tiền ra đầu tư mua sắm 100 tàu đánh cá có công suất từ 500 đến 1500 mã lực được sản xuất tại các nước hàng đầu về công nghiệp đóng tàu như vậy thì rất đáng quý. Chưa xét đến khía cạnh làm ăn kinh tế, nhưng sự kiện này thực sự thôi thúc niềm tự hào dân tộc của nhiều người và trên hết là thể hiện tinh thần yêu nước một cách cụ thể, thiết thực của cá nhân doanh nhân Phạm Ngọc Lâm. Tôi mong có nhiều hiện tượng như Phạm Ngọc Lâm và rất tự hào về lòng yêu nước của nhân dân".

THÀNH LUÂN (ghi)


Từ khoá : nha dat ha noi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét