Cầm trên tay quyển bút ký có tựa đề Lang thang như gió của bác sĩ Lê Đình Phương, hẳn có người nghĩ đến những câu hát như trên trong bài Bâng quơ của nhạc sĩ Phú Quang. Có gì giống nhau giữa Lang thang như gió của người nhạc sĩ tài hoa Hà Nội và vị bác sĩ khá nổi tiếng gốc Huế – tác giả quyển sách này không? Đó là chút lãng đãng đồng điệu của kẻ sĩ thích thả hồn cùng những bước chân lang thang đây đó. Và khi gấp quyển sách 272 trang lại thì người đọc phần nào hiểu được trái tim đa cảm của người viết: Rung động, yêu thương trước nhiều vẻ đẹp dung dị, mộc mạc mà tử tế trong cõi nhân sinh này. Và cũng lắm u hoài, bi phẫn vì những thứ phù du, hư ảo, thói hỗn hào thay cho phép tắc, lễ nghĩa, sự hoán đổi của chuẩn mực lề thói đã chứng kiến trong cuộc đời này.
Cầm trên tay quyển bút ký có tựa đề Lang thang như gió của bác sĩ Lê Đình Phương, hẳn có người nghĩ đến những câu hát như trên trong bài Bâng quơ của nhạc sĩ Phú Quang. Có gì giống nhau giữa Lang thang như gió của người nhạc sĩ tài hoa Hà Nội và vị bác sĩ khá nổi tiếng gốc Huế – tác giả quyển sách này không?
Trong anh, lòng trắc ẩn và cả những đam mê đều như ủ men, đến ngày tháng là dậy hương cay nồng. Hương nồng nàn, dịu ngọt đằm sâu anh dành cho bằng hữu, cho những người thầy từ trường học đến trường đời, cho những bệnh nhân yêu quý của anh. Vị cay đắng, nhạt nhẽo để tiếp người đời, đúng hơn là những người hợm hĩnh tin vào tiền có thể làm cho họ sang cả hơn, quyền uy hơn, nhưng thương thay, văn hóa của họ đang teo tóp lại.
Mở một trang sách là mở ra một thế giới khác mà mỗi người đọc với tâm thế của mình sẽ cảm nhận một cách khác nhau. Thật vậy, cái thế giới Lang thang như gió mà bác sĩ Lê Đình Phương tập hợp lại là một thế giới đa sắc màu của đời thực. Ở đó có vui, có buồn, có ấm áp tình thân và những nốt trầm suy tư, chiêm nghiệm.
Những câu chuyện ghi chép trong bệnh viện, phòng khám – nơi làm việc hằng ngày của anh – hẳn không phải là những câu chuyện đặc biệt. Bởi nó là những tình huống phổ biến, có thể gặp ở bất cứ bệnh viện nào ở Việt Nam. Nhưng chắc cả bác sĩ và bệnh nhân đều mệt mỏi với chuyện – thường – ngày nên nh���m mắt cho qua, không buồn phản ứng nữa. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Một nền y khoa đổ vỡ. Câu đúc kết nghe mà đau. Đó là những tự sự trong nghề, một nghề quá cực nhọc.
May thay, anh còn nhiều thú đam mê để cân bằng lại cuộc sống của mình. Đó là những chuyến đi, những lần xê dịch. Cởi chiếc áo blouse, vị bác sĩ nghiêm cẩn thành tay lãng tử với máy ảnh trên tay và… lang thang. Tuy nhiên, anh không vô tình như gió mà mở rộng lòng trên những chặng đường bước chân anh đi qua. Với hoa, với nhạc, với người, với những đam mê cuồng say, mộng mị mà khoái hoạt. Anh cực đoan trong cách nhìn về cái đẹp của thiên nhiên, của âm nhạc cổ điển, bởi tình yêu không cần lý do.
Đi khá nhiều nơi trên thế giới, anh lại đau trên chính xứ sở mình. Đau vì không thể làm người bàng quan. Đau vì trông người lại nghĩ đến ta, nghĩ về một nền du lịch lễ độ. Rồi những chuyện nhỏ khác như cách dân mình khoái dùng từ, câu chữ "kêu rổn rảng", cho đến những chuyện thời sự, thời cuộc cũng lắm chiêu trò.
Bác sĩ viết sách, chuyện không hiếm xưa nay. Nhiều người bằng lối viết không theo một chuẩn mực nào nhưng cái chất riêng đủ định vị trong lòng công chúng khi nhắc đến. Bác sĩ Lê Đình Phương cũng vậy, cảm, nghĩ thì đầy, nhưng viết, in sách thì như một sự tùy duyên.
Sau Người bệnh cuối ngày (2009), được nhiều người đón nhận, tái bản hai lần, Lang thang như gió đến tay bạn đọc vào đầu 9/2013 cũng bằng một lối văn phong nhẹ nhàng, viết như kể, như đối thoại để nhận lại sự hồi đáp từ bạn bè, độc giả. Sách do Nhà xuất bản Phụ Nữ và Phương Nam Book phát hành qua hệ thống Nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.
> Du ký trên "Tàu tốc hành chậm nhất thế giới"
> Truyện ngắn và du ký của người mê du lịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét