(TBKTSG) - "Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra con số giật mình: trong 10 năm từ 2002-2012, mặc dù số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhiều lên nhưng quy mô của doanh nghiệp lại nhỏ đi, cả về lao động và vốn bình quân. Doanh nghiệp tư nhân từ chỗ đóng góp 15,5% vào GDP năm 2002, đến năm 2012 con số này chỉ còn 11%".
Vũ Yến
Xem thêm chuyên đề Kinh tế tư nhân đi đâu, về đâu?
>>> Đứa con bị hất hủi
>>> Một khu vực bị nghi ngờ
>>> Tinh thần kinh doanh đang lao dốc
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thông tin như thế tại buổi nói chuyện, gặp gỡ báo chí vào ngày 15-7 vừa qua tại TPHCM với chủ đề: Cánh cửa nào cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển? Buổi nói chuyện do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Luật pháp, chính sách làm khó doanh nghiệp
Trong buổi nói chuyện, bà Lan chia sẻ những thông tin thu thập được sau khi cùng đoàn nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện chuyến khảo sát, lắng nghe ý kiến của khối doanh nghiệp tư nhân tại TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ và An Giang.
"Sau khi đi một vòng, tôi thấy giật mình vì câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam dường như phải bắt đầu lại từ đầu, có quá nhiều thứ phải trở lại từ cơ bản", bà Lan nói. Một số khó khăn lớn mà doanh nghiệp tư nhân đang phải đối phó được bà Lan khái quát như sau:
- Đầu tiên phải kể đến luật pháp. Luật pháp Việt Nam không rõ ràng, kém minh bạch, khiến môi trường kinh doanh kém ổn định. Doanh nghiệp tư nhân "kêu" nhiều là cơ quan nhà nước không hiểu luật hoặc hiểu theo cách khác so với tinh thần của luật, do đó họ có quyền vận dụng khác đi, gây khó cho doanh nghiệp.
Bà Lan cũng nhấn mạnh, câu chuyện khó của doanh nghiệp do các cơ quan gây ra, mỗi nơi một dạng khác nhau và gần như lĩnh vực quản lý nhà nước nào cũng bị kêu, trong đó cơ quan thuế là bị kêu nhiều nhất. Một mặt doanh nghiệp ghi nhận sự cố gắng của cơ quan quản lý khi ban hành luật mới, sửa đổi luật nhưng thực sự bản thân họ không có niềm tin vì những sửa đổi đó không đi cùng chiều với hệ thống thực thi và mang lại hiệu quả mà lại khiến môi trường kinh doanh khó khăn, rối rắm hơn. Nhìn lại mới thấy luật nào cũng có vấn đề, không ở bản thân thiết kế luật thì lỗi ở nghị định, văn bản, thông tư hướng dẫn, hay ở khâu thực thi của các cơ quan thi hành luật...
Tình trạng luật chồng chéo, luật nọ phủ định luật kia, cái này cho nhưng cái kia cấm luôn xảy ra, khiến doanh nghiệp không biết đường nào mà lần. Theo đó, doanh nghiệp cảm thấy hầu như không có hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động kinh doanh. Họ vừa làm vừa lo mình có thể bị thổi còi bất cứ lúc nào, vì những lý do khác nhau.
Môi trường kinh doanh như vậy tạo nên sự lạm quyền của công chức ở tất cả các tầng nấc, do đó khó khăn của doanh nghiệp là điều có thể hiểu.
- Thứ hai, một khó khăn lớn nữa của doanh nghiệp, theo bà Phạm Chi Lan, nằm ở việc thiếu sự đồng bộ, thiếu tính khả thi của hệ thống chính sách. Theo đó chính sách đưa ra chơi vơi, không đi vào được cuộc sống. Bà lấy ví dụ doanh nghiệp tư nhân ở đồng bằng sông Cửu Long phản ánh, về nguyên tắc, trữ gạo được bốn tháng, trữ lúa sáu tháng, như thế, trữ lúa tốt hơn trữ gạo. Thế nhưng Nhà nước không đưa ra bất cứ một chính sách nào giúp cho người kinh doanh lúa gạo trữ và bảo quản gạo tốt, để kịp thời đưa gạo ra thị trường khi khan hiếm, tránh đưa ra thị trường quá nhiều lúc thu hoạch...
Một số doanh nghiệp tư nhân phản ánh Nhà nước đôi khi khuyến khích xuất khẩu một cách mù quáng, chạy theo thành tích, xuất khẩu nhiều mà không thấy được rằng thực tế xuất khẩu mang lại lợi nhuận ít, gần như thua lỗ, trong khi thị trường nội địa để doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh...
Liên kết với DNNN lẫn FDI đều khó
Vấn đề thứ ba, theo bà Lan, việc liên minh giữa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân rất khó thực hiện, mà nguyên nhân trước tiên là mặt bằng giữa các doanh nghiệp này không đồng đều. Theo bà Lan, ở các nước khác, các doanh nghiệp lớn đều nhìn doanh nghiệp nhỏ và vừa như hệ thống vệ tinh xung quanh và buộc phải có sự liên minh với nhau, thì ở Việt Nam hệ thống các doanh nghiệp có xu hướng hoạt động theo kiểu khép kín. DNNN khép kín, lập ra các doanh nghiệp con, doanh nghiệp sân sau, bao luôn các hoạt động liên quan, chia sẻ lợi ích cho nhau, phần "ngon" nhất cho doanh nghiệp con, còn phần thua lỗ để doanh nghiệp mẹ gánh bởi "mẹ" đã có Nhà nước lo. Theo cách đó, họ không quan tâm, không cần phải liên minh với các doanh nghiệp tư nhân.
Đối với các doanh nghiệp FDI, khi vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp tư nhân trong nước, biến các doanh nghiệp nội thành vệ tinh xung quanh họ. Tuy nhiên, đến nay mô hình ấy gần như không thành hiện thực vì nguồn cung đầu vào của các doanh nghiệp FDI hiện vẫn dựa chủ yếu vào các doanh nghiệp của họ trong khu vực chứ không phải ở Việt Nam (70-80% nguyên liệu đầu vào là ở các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...).
Thế nên, phần mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của khu vực FDI rất ít. Câu chuyện gần đây nhất là Samsung vào Việt Nam, với quy mô xuất khẩu đạt 23,9 tỉ đô la Mỹ (năm 2013), nhưng chỉ có khoảng năm doanh nghiệp trong nước tham gia cung cấp những phần rất nhỏ bé như bao bì, thùng các tông, in giấy nhãn hàng... còn phần phụ trợ về kỹ thuật hoàn toàn không có.
Trong khi đó, chính nội bộ các doanh nghiệp tư nhân cũng có sự chia rẽ, thiếu sự hợp nhất, liên minh để phát triển.
Theo bà Lan, nền kinh tế, muốn phát triển bền vững phải dựa vào nội lực là chính, không thể chỉ biết dựa vào bên ngoài...
Khó khăn nhất luôn thuộc về doanh nghiệp đàng hoàng
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TPHCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phiếu May Sài Gòn 3, cho biết các quy định của pháp luật có thể gây khó cho doanh nghiệp nhỏ, yếu thế nhưng lại tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp được nâng đỡ. Từ đó, tạo nên sự không công bằng giữa các doanh nghiệp, tạo khó khăn cho các doanh nghiệp mà những khó khăn nhất luôn "thuộc" về doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.
Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi (TPHCM), bày tỏ cơ quan quản lý cần có sự kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi chứ không phải kiểm tra để tìm ra sai sót rồi phạt. "Để gầy dựng một doanh nghiệp, người chủ phải "thế chấp" bằng cả tài sản, tính mạng nhưng tính mạng ấy lại không ai bảo vệ. Doanh nghiệp tư nhân mà mất là mất tất cả", ông Hùng nói.
Khó khăn nữa mà ông Hùng nêu là vốn ít, không đủ tiềm lực để giữ nhân tài. Nguồn kinh phí dành cho công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm, dành cho việc đầu tư công nghệ không nhiều, thậm chí nhỏ giọt; chưa có đầu mối để liên minh các doanh nghiệp với nhau...
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh quần áo trẻ em, đề xuất: "Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nguyên phụ liệu. Đặc biệt, chúng tôi rất cần được hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn trực tiếp hoặc gián tiếp để tiếp tục phát triển, đầu tư. Đối với ngành công nghiệp dệt may, mà cụ thể là sợi - dệt - nhuộm nguồn vốn đầu tư là chuyện rất lớn. Chỉ nội chuyện đầu tư công nghệ xử lý nước thải cũng là vấn đề đau đầu. Doanh nghiệp tư nhân không thể đủ sức, đủ lực, vậy Nhà nước nên đứng ra quy hoạch hoặc hỗ trợ chính sách cho phép xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở một địa điểm được chỉ định nào đó...".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét