Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Điểm sàn 2014quá phức tạp: Bộ GD&ĐT nói gì?

Trước nhiều ý kiến cho rằng 3 mức điểm sàn Đại học mà Bộ GDĐT vừa công bố sáng 8/8 có phần phức tạp và không quá cần thiết, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đã có những giải thích về cách làm này.

Điểm sàn 2014 quá phức tạp: Bộ GD&ĐT nói gì? - ga1_2.JPG
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga

Năm nay có 3 mức xét tuyển khác nhau đối với bậc ĐH và 1 mức xét tuyển đối với bậc CĐ. Điều này có quá phức tạp không, trong khi chỉ cần một mức tối thiểu để có thể đảm bảo chất lượng cho việc tuyển sinh ĐH&CĐ, thưa ông?

Các năm trước, chúng ta chỉ có 1 mức điểm sàn. Đối với những trường top trên, tuyển được số thí sinh lớn, họ không quan tâm nhiều đến việc này. Tuy nhiên, nhóm trường trung bình, nhóm đang phát triển thường lấy từ điểm sàn trở lên, dẫn đến hiện tượng có trường thừa thí sinh, có trường lại không đủ nguồn tuyển, gây thiệt thòi cho thí sinh.

Thí sinh đăng ký không đúng trường, bị trượt do nộp hồ sơ vào các trường top cao, sẽ không có cơ hội nộp vào các trường đang phát triển.

Do đó nên năm nay, Hội đồng tư vấn điểm sàn của bộ GDĐT xác định chia làm 3 mức xét tuyển cơ bản. Lấy điểm trung vị (ranh giới điểm chia 50/50 số lượng thí sinh-PV) của phổ điểm làm chuẩn, rồi điều chỉnh các mức xét tuyển phù hợp làm sao cho thí sinh có thể vào được ĐH, CĐ, cùng đó các trường đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển.

Có ý kiến cho rằng đề xuất 3 mức điểm khác nhau là không cần thiết vì trường top trên và top trung bình vẫn có quyền lựa chọn điểm xét tuyển ở mức tối thiểu để đảm bảo "an toàn" cho họ. Ông nghĩ sao về điều này?

Khi ta cho các trường tự chủ trong tuyển sinh, họ rất cân nhắc về việc đảm bảo uy tín chất lượng và mặt khác là đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, các trường chọn mức điểm sàn nào sẽ ảnh hưởng tới việc xây dựng uy tín, chất lượng của nhà trường.

Do vậy các trường sẽ cân nhắc để làm sao nâng cao uy tín chất lượng. Họ sẽ cạnh tranh nhau để tuyển ở các mức cao. Mức cao như vậy năm sau sẽ thu hút được nhiều thí sinh hơn.

Bộ GDĐT có tính việc xét các trường có thứ hạng khác nhau và quy định các mức xét tuyển bắt buộc để tạo "nề nếp" trong công tác tuyển sinh?

Hiện nay Bộ GDĐT đang xây dựng dự thảo nghị định phân tầng xếp hạng các trường ĐH. Vậy thì tiêu chí chất lượng đầu vào các trường này cũng là một khâu trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng các trường.

Qua việc chúng ta chia làm 3 mức xét tuyển cơ bản năm nay cũng là cách tập dượt cho các trường ý thức được điều này quan trọng trong tương lai.

Bởi vì nếu anh tuyển nhóm học sinh top cao, thì uy tín tốt hơn, xếp thứ hạng cao hơn và nó tạo ra sức hút cho những năm sau. Khi chúng ta ban hành tiêu chí phân tầng xếp hạng, các trường muốn giữ được vị trí xếp hạng cao thì luôn phải tuyển thí sinh top cao như vậy chất lượng mới đảm bảo.

Thưa ông, vậy làm thế nào để thí sinh nắm được tình hình chung các trường để đăng ký xét tuyển nguyện vọng sau?

Các trường sẽ thông báo mức xét tuyển nguyện vọng 1. Sau khi công bố nguyện vọng 1 rồi các trường đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2. Trong khi công bố xét tuyển nguyện vọng 2, các trường sẽ công bố số lượng thí sinh, số chỉ tiêu còn lại.

Các em quan tâm đến trường nào nên theo dõi kỹ trường ấy, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của trường. Cho nên các em học sinh không có gì phải quá lo lắng.

Bộ có xây dựng nhà băng thông tin dữ liệu chỉ tiêu hàng năm để các em học sinh căn cứ vào đó, có thông tin chính xác?

Chỉ tiêu tổng thể của các trường đăng ký hàng năm đã có trên web của Bộ GDĐT. Còn lại tuyển bao nhiêu thì các trường linh động thông báo bởi việc cập nhật thông tin tổng thể này rất phiền phức. Những năm trước thì việc này không có gì khó khăn. Các em theo dõi trên báo và web thông tin của các trường có rất rõ.

Các em nên quan tâm đối với những trường mình xét tuyển nguyện vọng 2 và 3. Còn nếu quan tâm hết các trường thì sẽ rất phức tạp.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Thanh Hùng (ghi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét