Niềm tin của khách hàng về những dự án nằm trên giấy, về giá trị kinh tế mà dự án đó mang lại giờ đã không còn. Họ cẩn trọng đánh giá và xem xét tất cả các yếu tố để an cư.
Khách hàng đã thay đổi hình thức mua nhà.
Chính sách phù hợp và những tín hiệu đáng mừng
Có thể nói nguyên nhân sâu xa dẫn tới đóng băng thị trường BĐS là do đầu cơ. Bất kể là sản phẩm BĐS nào, từ nền đất dự án, nhà xây sẵn hoặc căn hộ nhà ở cao tầng, cũng bị đầu cơ ngay từ giai đoạn dự án còn trên bản vẽ.
Đáng lo ngại là tình trạng đầu cơ xảy ra từ chính các đơn vị tham gia đầu tư kinh doanh, phát triển sản phẩm BĐS. Phần lớn các dự án BĐS của công ty trong nước đều có tình trạng ngâm đất và làm cầm chừng với mục đích chiếm dụng vốn của người mua.
Cộng với việc buôn qua bán lại đất nền trong nội bộ với nhau trong một thời gian dài nhằm hưởng chênh lệch giá.
Do đó, Nhà nước đã nhiều chính sách hỗ trợ mục đích phá băng BĐS, làm nóng phân khúc BĐS giá thấp, thu nhập thấp để sưởi ấm phân khúc nhà cao cấp… Và thực tế nhu cầu của người dân hiện nay là ở phân khúc nhà giá thấp.
Thay vì cung vốn cho thị trường chung, giải cứu cho hàng tồn phân khúc cao cấp thì chính sách lại tập trung cho phân khúc giá thấp, có nghĩa tạo ra hơi ấm ở nơi đóng băng để cho băng tan, chứ không đi phá băng trực tiếp.
Sự linh hoạt trong ban hành chính sách, thể hiện từng bước đi chính xác trong quyết định giải pháp. Có thể ví như trận thắng do binh pháp quyết định chứ không phải do lực lượng áp đảo quyết định. Binh pháp ở đây chính là chính sách đã được đưa ra, lực lượng ở đây chính là vốn tài chính cần để giải tỏa các BĐS tồn đọng gắn với nợ quá hạn..
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện thị trường BĐS đã ấm lên, mua bán tăng mạnh. Tồn kho trên cả nước hiện vào khoảng 83.034 tỉ đồng, giảm 12% so với đầu quý I/2013 và giảm 35,4% so với quý I/2013. Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có 4.150 mua bán, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ 2013.
Khan hiếm ảo, người mua nhà khó tiếp cận
Gần đây, thị trường BĐS Hà Nội có dấu hiệu sôi động trở lại. Nhiều chủ đầu tư đã toan tính đầu cơ để trục lợi, thậm chí là thổi giá nhà ở.
Thực tế cho thấy, nhiều khách hàng đã phải chịu giá chênh lênh khá cao do sự bắt tay "kín" giữa chủ đầu tư và các sàn BĐS. Chủ đầu tư thường giao hàng độc quyền cho một vài sàn BĐS. Sau đó, các sàn này, với chức năng chính là môi giới sẽ làm "thủ thuật", tạo sự khan hiếm ảo, khiến người mua khó tiếp cận.
Còn chủ đầu tư sẽ "găm" hàng, nếu người dân hỏi đến sẽ trả lời là "hết". Một mặt là để cùng tạo khan hiếm giả, mặt khác, tiếp tay cho các sàn đẩy giá lên.
Cũng thời điểm này, khách hàng phải chấp nhận tiền chênh lên đến hàng trăm triệu đồng/căn nếu mua nhà tại dự án VP5, VP6 Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ (Đại Kim - Hoàng Mai), Green Stars (Phạm Văn Đồng), 143 Trần Phú (Hà Đông).
Trong bất kỳ trường hợp nào, đặc biệt là trong dài hạn, BĐS vẫn là kênh trú chân an toàn nếu như nhà đầu tư khôn ngoan và đánh giá đúng giá trị của sản phẩm.
Tính thanh khoản thị trường tốt hơn, nguồn tiền tích lũy trong dân gần như nằm im trong 2 năm vừa qua đã mạnh dạn chảy sang BĐS. Dường như các nhà đầu tư đã bớt dè dặt và yên tâm hơn khi quay trở lại với thị trường.
Tình trạng thổi giá, đầu tư chộp giật đã khiến thị trường BĐS suy thoái trong một thời gian dài. Lần này, các nhà đầu tư trở lại thị trường dường như thận trọng và làm chủ thị trường hơn. Họ định giá sản phẩm dựa trên giá trị thực chứ không dựa vào vẻ hào nhoáng bên ngoài.
Tỉ lệ rủi ro cao khi đầu tư theo hình thức lướt sóng, bất lợi cho chính bản thân nhà đầu tư, chủ đầu tư và cho khách hàng mua để ở. Khi các nhà đầu tư tham gia thị trường quá mê muội sẽ dẫn tới việc đẩy giá lên quá cao, ngoài khả năng chi trả của người mua. Chủ đầu tư dự án nếu cũng viễn tưởng quá nhiều vào thị trường thì hậu quả sẽ là tiếp tục một chu kỳ xuống giá mới, đem lại nhiều tổn thất nặng nề hơn không chỉ cho thị trường BĐS mà cho cả nền kinh tế.
Theo báo Xây dựng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét