Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

CEO Nam Long: Ngân hàng "niềm nở" hơn sau khi chúng tôi có đối tác IFC

(NDH) Nếu lãi suất cho vay bất động sản trước đây từ 14-16% thì vừa qua Nam Long vừa phát hành trái phiếu với lãi suất 10%.

Một doanh nghiệp khi chấp nhận cuộc chơi M&A sẽ chờ đợi điều gì, kết quả đằng sau các thương vụ M&A đó ra sao là điều các nhà đầu tư luôn quan tâm. Bên lề hội thảo "Diễn đàn M&A 2014" do báo Đầu tư và doanh nghiệp VMA tổ chức, chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc CTCP đầu tư Nam Long về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian này, khi doanh nghiệp này liên tục được khối ngoại tăng tỷ lệ đầu tư (hiện sở hữu của NĐT nước ngoài tại Nam Long đã lên tới 48,49%).

CEO Nam Long: Ngân hàng niềm nở hơn sau khi chúng tôi có đối tác IFC - fb3photo.JPG

Ông Nguyễn Vĩnh Trân

Tháng 2/2014, Tổ chức tài chính quốc tế IFC (International Finance Corporation) công bố mua 8.830.000 cổ phần NLG của Nam Long và trở thành cổ đông lớn nắm giữ 7,3% vốn, theo ông, những yếu tố nào tại Nam Long có thể hấp dẫn IFC và Nam Long thu được những lợi ích gì sau thương vụ này?

Ông Nguyễn Vĩnh Trân: Mục tiêu của Nam Long là phát triển bền vững lâu dài, dựa trên đó để đưa ra chiến lược kinh doanh do đó chúng sẽ chọn đối tác nào sẽ đem lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp Nam Long. Vì vậy khi chúng tôi đưa ra chương trình phát hành cổ phần mới kêu gọi nhà đầu tư thì chúng tôi đều có ý định nhắm vào một số NĐT có thể nâng tầm doanh nghiệp lên một tầm mới, do đó chúng tôi nhắm vào IFC.

Chúng tôi đã làm việc với IFC trong một thời gian rất lâu, khoảng 18 tháng. Với số tiền nhỏ họ đầu tưu vào nhưng họ mang đến sự công nhận cho Nam Long. Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của IFC, chúng tôi đã phải cải tiến việc quản trị doanh nghiệp, tính minh bạch.. và chúng tôi biết rõ nếu thu hút được IFC chúng tôi sẽ thu hút được các nhà đầu tư khác vào Nam Long và chúng tôi quyết tâm bỏ thời gian rất nhiều để đạt được các yêu cầu đó.

Sau khi hoàn thành ký kết với IFC, chúng tôi làm việc với các ngân hàng dễ hơn. Trước đây tôi mượn tiền ai cũng chạy hết (cười), còn nay thì ai cũng sẵn sàng cho chúng tôi mượn tiền. Nếu lãi suất cho vay bất động sản trước đây từ 14-16% thì vừa qua Nam Long vừa phát hành trái phiếu với lãi suất 10%. Tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự quyết tâm thay đổi.

Các đối tác của Nam Long ngoài IFC ra còn có các tổ chức nào khác không thưa ông?

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Nam Long có ASPL của Malaysia đầu tư 12,87% vốn, IFC, Golman Sach, Mekong Capital...Trong đó có ASPL, Mekong Capital có đại diện trong hội đồng quản trị của Nam Long. Mekong Capital luôn luôn thúc đẩy chúng tôi phải minh bạch.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2014 của Nam Long ra sao thưa ông?

Kết quả kinh doanh sẽ công bố tuần sau (11/8-15/8), kết quả nói chung là đạt kế hoạch 6 tháng (pv: quý i/2014 NLG lỗ hơn 21 tỷ).

Ông nhìn nhận về cơ hội M&A tại Nam Long như thế nào?

Nam Long thể hiện sự quyết tâm của một doanh nghiệp VN vươn lên tầm quốc tế. Nhà đầu tư cũng rất khôn khoan, khi đầu tư vào doanh nghiệp sẽ nhìn một góc khác khi đầu tư vào một dự án. Đầu tư vào doanh nghiệp thì họ sẽ "soi" tất cả các quy trình làm việc, đội ngũ nhân sự, cách kết nối. Cái đó không phải là sự đánh đổi của Nam Long mà Nam Long muốn mình có một tiêu chuẩn hạng cao để có cơ hội kêu gọi đầu tư. Và cũng từ đó có thể mượn vốn ngân hàng dễ dàng hơn.

Chiến lược đầu tư của Nam Long trong thời gian tới như thế nào thưa ông?

Những nhà đầu tư rất "khôn", khi muốn đầu tư vào doanh nghiệp họ sẽ hỏi mình về chiến lược lâu dài nên mình phải chỉ cho họ biết về định hướng và kết quả đạt được. Hiện, tuy thị trường hiện tại xấu nhưng nói chung chúng tôi có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Kể cả nhà đầu tư và ngân hàng cũng sẽ đánh giá cao Nam Long khi doanh nghiệp bán được hàng.

Quỹ đất của Nam Long hiện nay là 565 ha. Dự án lớn hiện tại của Nam Long 360ha nằm ở Long An , ngay vành đai số 4. Dự án được kỳ vọng vào sự phát triển của Tp.HCM trong tương lai. Hiện, dự án đã đền bù xong trong 10 năm. Hiện đang trong giai đoạn kêu gọi vốn vì Nam Long một mình làm không nổi. Đó là kế hoạch tiến triển tiếp trong năm 2015 và 2016 tới.

Ông có kế hoạch Bắc tiến không?

Chúng tôi có ra Hà Nội và thấy tiềm năng phát triển lớn nhưng phải có một đối tác về đất. Nếu giờ Nam Long ra bắt đầu lại tất cả các quy trình thì sẽ không biết chừng nào mới xong. Hiện giờ chúng tôi vẫn tiếp tục các dự án hiện tại để lấy niềm tin người mua.

Ông đánh giá tiềm năng thị trường nhà đất trong thời gian tới như thế nào? Bản thân Nam Long đã "sống sót" như thế nào trong giai đoạn vừa qua?

Nam Long có một chiến lược đó là chỉ làm sản phẩm từ 500 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng, chứ không làm sản phẩm giá quá cao. Sau 2 năm bán hàng thì chúng tôi nhận thấy đây là dòng sản phẩm hợp lý nên vẫn tiếp tục bán. Do đó chúng tôi đã đạt được kế hoạch bán hàng dù thị trường xuống.

Ông có sợ doanh nghiệp nước ngoài khi vào doanh nghiệp sẽ "nuốt chửng" doanh nghiệp trong nước không?

Tôi hoàn toàn ủng hộ lộ trình nới room lên 60% của Chính phủ, nếu mình có một chiến lược hoạt động vững chắc đáp ứng được các yếu tố kinh doanh cơ bản, chỉ cần mình cần vốn thì các doanh nghiệp nước ngoài vào giúp mình vượt qua giai đoạn này thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Nam Long vẫn đang phải chuẩn bị và sẵn sàng đón "làn sóng đầu tư mới", tôi đã gặp rất nhiều NĐT quan tâm đến chúng tôi, họ vẫn đang tìm hiểu doanh nghiệp và thị trường nhà đất nói chung, tôi tin là thời gian tới sẽ còn nhiều thương vụ thành công.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai



Từ khoá : du an sunrise city

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét