(CATP) Sáng 25-11-2013, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân để thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thảo luận về dự án Luật xây dựng (sửa đổi).
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Theo đó, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấm các hành vi: sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật trái quy định của luật. Không áp dụng hoặc cố ý áp dụng không đúng các biện pháp chống dịch. Nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại hoặc sử dụng giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại trong trong danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật, danh mục đối tượng phải kiểm soát mà chưa được xử lý. Phát tán sinh vật gây hại. Đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 67 của luật này. Luật cũng cấm quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định của luật.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 150 điều; tăng thêm 1 chương, 27 điều so với Luật xây dựng (2003). Dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) lần này có rất nhiều điểm mới.
Hầu hết đại biểu tán thành những điểm mới của dự thảo Luật xây dựng lần này. Các đại biểu cũng đóng góp những ý kiến sâu sắc về những mặt còn hạn chế của dự thảo. Nhiều đại biểu cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quy hoạch xây dựng còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các quy định điều chỉnh quy hoạch vùng, các khu chức năng đặc thù ngoài đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn. Quy hoạch vùng chưa đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ và thống nhất với các mục tiêu phát triển của vùng, với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và một số quy hoạch chuyên ngành, dẫn đến sự chồng chéo, đầu tư lãng phí. Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng còn tùy tiện, chưa quy định chặt chẽ về điều kiện, nguyên tắc, trình tự, cũng như sự tham gia của cộng đồng trong việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Về quản lý dự án đầu tư xây dựng, nhiều đại biểu cho rằng Luật xây dựng (2003) chưa xác định rõ một nguyên tắc cơ bản trong quản lý đầu tư xây dựng. Cụ thể: đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau thì phải có phương thức quản lý khác nhau. Luật xây dựng (2003) chưa phân định sự khác biệt về phương thức, nội dung và phạm vi quản lý giữa các dự án có sử dụng vốn Nhà nước và các dự án sử dụng vốn ngoài Nhà nước; chưa có sự phân biệt về vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án có nguồn vốn khác nhau. Đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, đã phân quá nhiều quyền hạn cho các chủ đầu tư (cũng giống như các dự án sử dụng vốn ngoài Nhà nước), thiếu sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước chuyên ngành; chính điều này, cùng với sự hạn chế về năng lực của các chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Theo quy định, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng phải được thực hiện đối với tất cả công trình thuộc mọi nguồn vốn nhưng nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức, các hồ sơ liên quan đến thủ tục pháp lý và hồ sơ quản lý chất lượng chưa đầy đủ, còn mang tính hình thức, nội dung sơ sài nên chưa đáp ứng được nội dung chuyên môn phục vụ khảo sát, thiết kế cũng như thi công làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư xây dựng.
Luật quy định chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình xây dựng nhưng Luật bảo hiểm lại không quy định công trình xây dựng là loại hình bắt buộc phải mua bảo hiểm, nên chủ đầu tư muốn mua bảo hiểm công trình trong thời gian thi công xây dựng, nhưng rất khó thực hiện được. Trong thực tế đã xảy ra các trường hợp sự cố công trình do khách quan hoặc chủ quan mà chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu rủi ro rất lớn. Việc đảm bảo chất lượng công trình xây dựng sau khi bàn giao đã được Luật xây dựng (2003) đề cập trong các quy định về bảo hành, bảo trì công trình xây dựng. Theo đó nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình trong thời gian tối thiểu 12 tháng đến 24 tháng. Thực tế ở nhiều công trình, những khiếm khuyết như lún, nứt, dột, nền bong, tường tróc... lại thường xảy ra sau thời gian hai năm, thậm chí 5 - 10 năm sau nhưng sau hai năm bảo hành nhà thầu sẽ không còn trách nhiệm đối với những khiếm khuyết này nữa; mặt khác việc quy định chủ đầu tư giữ lại 3% - 5% giá trị hợp đồng để ràng buộc thực hiện trách nhiệm bảo hành đã làm cho nhà thầu gặp khó khăn về vốn. Nếu quy định thời gian bảo hành dài hơn lại càng làm cho nhà thầu khó khăn hơn; hơn nữa nếu nhà thầu bị giải thể hoặc phá sản thì việc thực hiện trách nhiệm bảo hành sẽ do đơn vị nào đảm nhận. Để khắc phục tình trạng này, nhiều nước có quy định nhà thầu phải có trách nhiệm mua bảo hiểm bảo hành công trình.
Buổi chiều, Quốc hội thông qua Luật tiếp công dân, thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét