Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Kiểm soát chặt chẽ để giảm nguy cơ tai nạn

ANTĐ - Chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện vừa mới  được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) thực hiện từ đầu tháng 11 cho đến cuối năm nay. PV Báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về vấn đề này.

- PV: Thưa ông, chiến dịch kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện có những nội dung gì?

- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Hiện nay phần lớn người dân vẫn chưa phân biệt được đâu là xe đạp điện, đâu là xe máy điện. Ngay cả các quy định của  pháp luật liên quan đến loại phương tiện này cũng chưa được người dân và một số cơ quan chức năng  nắm rõ. Do vậy, việc tuyên truyền cho các đơn vị chức năng và người dân cách phân biệt rõ khái niệm về xe đạp điện và xe máy điện để từ đó có những biện pháp, khuyến cáo đối với người sử dụng và công tác quản lý được rõ ràng là việc làm cần thiết.

Bên cạnh đó, Ủy ban ATGTQG sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra nguồn gốc nhập hàng tại các cửa hàng kinh doanh, về những chỉ tiêu kỹ thuật giữa đăng ký công bố và thực tế. Mục đích của chiến dịch lần này còn nhằm nâng cao nhận thức và hướng dẫn người tham gia giao thông sử dụng xe đạp điện, xe máy điện hiệu quả, an toàn, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện. Cụ thể, người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, xe máy điện phải đi vào đường dành cho xe cơ giới, xe đạp điện phải đi vào đường dành cho xe thô sơ. Do  người dân chưa nắm được các quy định của pháp luật nên thường vi phạm các lỗi như chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường, dàn hàng 3-4 đi trên đường. Đối với đối tượng dưới 16 tuổi vi phạm, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở và gửi thông báo đến nhà trường để cùng phối hợp giáo dục, nhắc nhở các em.

- Thưa ông, vậy xe đạp điện và xe máy điện có phải là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn trong thời gian qua? Và việc cấp biển số cho xe đạp điện, xe máy điện có thực sự cần thiết? 

- Mặc dù xe đạp điện và xe máy điện chưa phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng, nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ này có thể nhìn thấy rõ. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể đã có bao nhiêu phương tiện này được nhập vào Việt Nam, nhưng có một thực tế là các phương tiện này được nhập qua rất nhiều kênh khác nhau. Chưa kể, hầu hết các xe máy điện đều không được kiểm định và không được đăng ký.

Theo quy định của pháp luật, xe máy điện là xe cơ giới nên bắt buộc phải đăng ký xe và có biển số. Còn với xe đạp điện là xe thô sơ nên việc đăng ký là không cần thiết. Hơn nữa, do xe đạp điện không có số khung, số máy nên việc đăng ký xe sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc đăng ký, đăng kiểm. Thời gian qua tình trạng người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ khá phổ biến, nên đây chính là một trong những điểm "nóng" về giao thông mà Ủy ban ATGTQG tập trung xử lý và giải quyết trong thời gian tới.

- Như vậy, quy định đã có nhưng thời gian qua phần lớn xe máy điện không đăng kiểm, đăng ký?

- Đúng là có thực tế này bởi qua công tác kiểm tra, nhiều xe máy điện không đăng ký nhưng hiện vẫn lưu thông trên đường, trong khi pháp luật đã quy định rõ. Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban ATGTQG đã có buổi làm việc với Cục Cảnh sát giao thông đường sắt đường bộ, theo đó bắt buộc người sử dụng phải đăng ký xe đối với xe máy điện theo như quy định của pháp luật.

Phân biệt rõ xe đạp điện với xe máy điện

- PV: Vậy căn cứ nào, cơ sở nào để phân biệt xe đạp điện với xe máy điện?

- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Pháp luật cơ bản đã phân biệt rõ 2 loại phương tiện này. Theo quy định trong Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xe đạp điện (loại xe chạy bằng động cơ điện) tốc độ dưới 30 km/h; có bàn đạp và khi không có điện có thể đạp bình thường với tốc độ 7km/h. Xe đạp điện là xe thô sơ nên khi tham gia giao thông phải đi vào đường dành cho xe thô sơ và người đi xe đạp điện cũng phải đội mũ bảo hiểm. Còn xe máy điện là xe không có bàn đạp, tốc độ của xe không quá 50km/h, nếu trên 50km/h thì đó là xe mô tô động cơ điện.

Pháp luật cũng quy định rõ, xe máy điện là xe cơ giới. Người điều khiển xe máy điện phải tuân thủ các quy định pháp luật như xe mô tô hiện nay, nghĩa là khi tham gia giao thông phải có đăng ký xe, đội mũ bảo hiểm, phải có bằng lái. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 71 tới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã kiến nghị sửa đổi, theo đó người ngồi trên xe mô tô gắn máy phải đội mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô gắn máy. Khi Nghị định được phê duyệt và có hiệu lực, Ủy ban sẽ tiếp tục tuyên truyền, lúc đó lực lượng cảnh sát sẽ có căn cứ xử lý những người đội mũ bảo hiểm không dành cho người đi mô tô, xe máy.

Ngọc Bảo (thực hiện)

Từ khoá: người dân an toàn bảo hiểm xe máy quy định phương tiện an toàn giao thông giao thông đường bộ bảo hiểm nghị định bảo hiểm xe vi phạm tuyên truyền tham gia giao thông gia kinh doanh người ngồi trên xe pháp luật kiểm tra giao thông bão

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét