Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Chủ trương đầu tư không đúng gây lãng phí lớn

Sáng 16-11, Chính phủ đã trình QH dự thảo Luật Đầu tư công (ĐTC) điều chỉnh bao quát việc quản lý sử dụng các nguồn vốn ĐTC, gồm có: Ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài...

Xiết chặt đầu tư dàn trải, lãng phí

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận: "Do chưa có hệ thống pháp luật quản lý ĐTC hoàn chỉnh, thiếu biện pháp giám sát và chế tài nên tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả kéo dài nhiều năm. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao gây nợ đọng, xây dựng cơ bản quá mức gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách. Dự thảo Luật ĐTC quy định thống nhất việc quản lý và sử dụng vốn ĐTC từ khâu xác định chủ trương đầu tư đến các khâu đánh giá, giám sát chương trình, dự án; quy rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu nhất trí: "QH cần sớm ban hành Luật ĐTC nhằm khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả ĐTC theo đúng mục tiêu, chiến lược phát triển KT-XH của đất nước". Trên cơ sở đó bảo đảm được tính công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là bước đột phá trong quá trình tái cơ cấu đầu tư, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, khắc phục triệt để những yếu kém trong quản lý ĐTC nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phân bổ vốn đầu tư.

Lãng phí lớn nhất do chủ trương đầu tư không đúng

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, lãng phí, thất thoát trong ĐTC có nhiều nguyên nhân: Do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Vì vậy, Dự thảo Luật ĐTC quy định rõ quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dựa trên các căn cứ khoa học nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu lưu ý, càng ít các chương trình, dự án ĐTC được điều chỉnh càng tốt để đảm bảo kỷ luật trong quản lý ĐTC.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã công bố kết quả bầu bổ sung nhân sự ủy viên thường vụ và các ủy ban như sau:

1.Ông Nguyễn Đức Hiền (Trưởng Ban Dân nguyện của Thường vụ QH) giữ chức ủy viên Ủy ban Thường vụ QH.

2.Ông Nguyễn Lâm Thành giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.

3. Ông Phạm Trí Thức giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

4.Ông Nguyễn Văn Tuyết giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

5. Ông Đặng Thuần Phong giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

6.Ông Vũ Hải Hà giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã công bố kết quả biểu quyết thông qua Luật Việc làm với 420 phiếu tán thành (đạt 84,34%).

Trong đó, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Lao động có hợp đồng không xác định thời hạn, có xác định thời hạn và cả lao động mùa vụ từ ba đến 12 tháng. Riêng người hưởng lương hưu vẫn tiếp tục làm việc và lao động giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tất cả người sử dụng lao động đều phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

BÌNH MINH

Từ khoá: dự thảo người sử dụng lao động hiệu quả gia chính trị nền kinh tế bảo hiểm quyết định bảo hiểm thất nghiệp tham gia bảo hiểm bão luật việc làm lao động hệ thống pháp luật người lao động chiến lược phát triển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét