Máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh đặt tại các cửa khẩu, sân bay đang tăng công suất hoạt động, đặc biệt chú ý những chuyến bay trở về từ Trung Đông và các nước, vùng lãnh thổ có dịch viêm đường hô hấp cấp MERS.
Bộ Y tế lại phát đi cảnh báo trên toàn quốc về dịch bệnh nguy hiểm viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV). Loại dịch bệnh này đã làm 202 người tử vong trong số 676 trường hợp mắc phải tại 20 quốc gia khu vực Trung Đông. Có 75% số ca bệnh gần đây là lây nhiễm thứ phát do lây truyền từ người sang người.
Nhiều nguy cơ xâm nhập
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), MERS-CoV được mô tả lần đầu tiên vào tháng 9-2012, có khả năng lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc những giọt nước bọt nhỏ với trên 60% cán bộ y tế bị lây nhiễm được xác định ở Ả Rập Saudi, Jordan. Đa số trường hợp nhiễm MERS-CoV giống dịch bệnh SARS ở biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp như sốt trên 38 độ C, ho, khó thở, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhưng khác ở chỗ có hội chứng suy thận cấp kèm theo.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết MERS-CoV có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần. Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, đây là một loại bệnh mới nổi, do virus hoàn toàn mới gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Với loại bệnh đường hô hấp mà tỉ lệ tử vong lên đến gần 30%, nếu tiến triển thành đại dịch, lây truyền dễ dàng từ người sang người thì sẽ vô cùng nguy hiểm, số ca tử vong rất cao.
Đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Ảnh: HIỀN LÂM
Các chuyên gia y tế nhận định dịch bệnh này đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và nguy cơ virus truyền nhiễm MERS-CoV xâm nhập nước ta là rất lớn. Người các độ tuổi đều có khả năng nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, qua ghi nhận thì hầu hết các trường hợp mắc là người già, nam giới; người có bệnh mạn tính kèm theo thường có nguy cơ cao hơn.
Tại cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống dịch bệnh phía Nam mới đây, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bày tỏ quan ngại khả năng bùng phát loại dịch bệnh này là rất lớn do lây nhiễm thứ phát từ người qua người. "Nguy cơ bệnh sẽ xâm nhập nước ta thông qua khách du lịch, người lao động, học tập tại nước ngoài. Đáng ngại hơn, một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines đã có ca bệnh sau khi trở về từ Trung Đông. Người Việt giao thương, qua lại những nước trong khu vực không phải ít".
Chủ động chặn dịch
Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị chủ động ngăn chặn dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam. Theo đó, sở y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai ngay các hoạt động theo tình huống khi có ca bệnh tại Việt Nam. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động, thường xuyên cập nhật thông tin về bệnh MERS-CoV để có kế hoạch ứng phó theo tình huống diễn biến của dịch bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm MERS-CoV. Tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý người trở về từ các quốc gia có dịch bệnh, kiểm tra sàng lọc thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa. Sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị; đồng thời, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân, nghi ngờ mắc MERS-CoV, có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày…
Tại TP HCM, phương án ứng phó với MERS-CoV cũng đã được triển khai. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát để phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc đến từ vùng dịch Mers-CoV, đặc biệt tại các cửa khẩu quốc tế như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn.
Công tác thu dung, điều trị cũng đã sẵn sàng. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp, lực lượng chức năng sẽ thực hiện ngay cách ly, khám sơ bộ, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý theo quy định.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM, các biện pháp ngăn chặn dịch MERS-Cov đã được trung tâm triển khai. Tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan chức năng đã bố trí 4 máy đo thân nhiệt, nhân viên túc trực cũng như các trang thiết bị, thuốc men, quần áo bảo hộ chống dịch. Trung tâm cũng đã thành lập ban chỉ đạo và lên kế hoạch chi tiết đối phó dịch bệnh.
Trước nguy cơ MERS-CoV xâm nhập Việt Nam, Bộ Y tế đang xin ý kiến các cơ quan chức năng về việc áp dụng tờ khai y tế phòng chống dịch bệnh này đối với hành khách đến từ vùng Trung Đông nhập cảnh tại các sân bay quốc tế.
Chưa có thuốc đặc hiệu
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, kế hoạch giám sát cộng đồng, tuyên truyền cho người dân cách thức phòng bệnh, đặc biệt là MERS-CoV, cũng đã được triển khai. Các chuyên gia khuyến cáo những người mắc các bệnh như tiểu đường, phổi mạn tính, suy thận, suy giảm miễn dịch... cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Việc điều trị hiện nay chủ yếu là hỗ trợ hô hấp, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng đối với dịch bệnh này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét