Bộ Giao thông Vận tải vừa tổ chức thi tuyển thành công chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ. Bên lề Quốc hội sáng 16/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trao đổi với báo chí về vấn đề thi tuyển.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
- Có ý kiến cho rằng, việc thi tuyển sẽ chỉ giúp tuyển được người tài mà không tuyển được người có đức. Bộ trưởng sẽ giải bài toán này như thế nào?
Thi nhưng vẫn phải bảo đảm các quy định quản lý cán bộ của Đảng và Nhà nước chứ không phải chỉ thi mà không theo một nguyên tắc nào. Cán bộ là do Đảng lãnh đạo toàn diện, ngoài ra còn có các quy định về công chức, viên chức và các vị trí. Thi thì đảm bảo sự công bằng, công khai, dân chủ, minh bạch. Nhưng những người tham gia thi cũng phải đảm bảo cả điều kiện phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị. Rất nhiều người có thể dự thi, nhưng trước khi thi, căn cứ vào quy chế, ban Cán sự Đảng họp và quyết định đối tượng nào đủ điều kiện để tham gia dự thi chứ không phải ai cũng được thi. Sau đó, những người dự thi là những người đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, phẩm chất cán bộ, lúc thi chỉ khẳng định về chuyên môn, anh giỏi thì anh đỗ.
- Nếu chọn người có đạo đức, tư chất tốt như vậy thì việc thi tuyển có hạn chế được tham ô tham nhũng không, thưa Bộ trưởng?
Tất nhiên là chúng ta đang đi tới hướng đó vì tất cả là để chống tham nhũng. Chống tiêu cực, chống lãng phí, chống thất thoát thì phải rất nhiều giải pháp đồng bộ. Tổng Bí thư đã kết luận tại hội nghị chống tham nhũng rồi, đây là một cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ, đòi hỏi không được nóng vội, gian khổ lâu dài, không phải vì hôm nay do bức xúc mà ngày mai phải hết tham nhũng ngay.
- Cho đến nay, Bộ đã có tổng kết sau lần thi đầu tiên chưa, thưa Bộ trưởng?
Có chứ. Sở dĩ tiếp tục thi là vì đã có tổng kết từ cuộc thi thứ nhất. Đánh giá được những ưu điểm, những bài học kinh nghiệm nhưng đồng thời cũng thấy được những tồn tại.
Cái được thứ nhất là dư luận xã hội đánh giá rất cao do thi tuyển rất công khai, rất dân chủ, rất minh bạch. Bộ trưởng và Vụ trưởng tổ chức cán bộ không có mặt trong ban giám khảo. Hôm thi vừa rồi, tôi đi khởi công cầu trên Bắc Kạn, không có mặt. Trong lúc thi có mời phóng viên, nhà báo dự, thậm chí một số người dân Hà Nội hôm ấy là ngày nghỉ xin vào xem, chúng tôi cũng đồng ý, rất dân chủ, không ai thắc mắc gì.
Cái được thứ hai là những người đã được chọn là người có đức có tài, bản thân người đó cũng thể hiện sự quan tâm nhưng những người không đ��� cũng tâm phục khẩu phục, rất vui vẻ, không có điều gì phàn nàn là có chuyện nọ chuyện kia.
Thứ ba là tạo ra luồng sinh khí mới cho anh em phấn đấu, bởi người ta nghĩ muốn phấn đấu con đường tiến thân, con đường phát triển chỉ có bằng cách rèn luyện. Rèn luyện cả về đạo đức, phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, vừa rồi, do điều kiện quy định nên phạm vi còn hẹp, chưa được nhiều thành phần tham gia. Một phần cũng do khâu tuyên truyền của mình chưa tốt. Nhiều Giám đốc Sở gặp tôi nói muốn tham gia nhưng lo rằng đỗ thì ok, trượt thì về mấy ông địa phương ấy "đì" chết, bảo "thích đi lên bộ thì lên đi!". Có cái tâm lý như vậy nên anh em người ta ngại, chính mình phải tuyên truyền, làm việc với địa phương, tạo điều kiện cho anh em người ta đi thi. Nếu người ta đỗ là cái tốt, không đỗ cũng là học hỏi để về địa phương làm tốt hơn vì trong qua trình thi, người ta cũng học hỏi kinh nghiệm.
Vừa rồi, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ mới trúng tuyển, việc đầu tiên là xin gặp 3 người trượt để xin 3 đề án để nghiên cứu, tiếp thu những cái tốt. Đấy là một sự cầu thị, một sự khôn ngoan. Nếu vừa rồi mình làm tốt, động viên để các địa phương tạo điều kiện và động viên các cán bộ của địa phương tham gia nhiều hơn thì sẽ tốt hơn.
- Dự kiến kỳ thi tuyển sắp tới sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ thi chức danh Vụ trưởng vụ Giao thông Vận tải trước, tháng 10 thi Vụ trưởng An toàn giao thông, sau đó cuối quý IV sẽ thi Cục trưởng Đường thủy nội địa, tiếp đó là chức danh chủ tịch Tổng Công ty Quản lý bay.
- Vậy với những cán bộ mà Ban Cán sự Đảng của Bộ Giao thông Vận tải đã quy hoạch từ trước đến nay thì làm sao? Có rơi vào tình trạng "quy hoạch treo" không, thưa Bộ trưởng?
Để xin phép thi được thì chúng tôii phải báo cáo các cơ quan của Đảng, Chính phủ, của Bộ Nội vụ - cơ quan quản lý nhà nước. Để thi thì sẽ vướng một số quy định hiện hành, trong đó có việc muốn bổ nhiệm phải nằm trong quy hoạch, nhưng thi thì làm sao mà nằm trong quy hoạch được?. Trong quy hoạch thì một vị trí chỉ có 3 người, thế thì chỉ thi mỗi 3 ông quy hoạch à? Thế nên phải xin phép. Rồi các điều kiện như phải có bằng lý luận chính trị cao cấp, chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp… thì khi thi tuyển rồi, bổ nhiệm rồi, trong quá trình sử dụng cán bộ sẽ tạo cơ hội để cho họ hoàn thiện nốt những văn bằng đó.
Tuy nhiên, những lần thi này mới là thí điểm, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo, sẽ có đề án thí điểm, như vậy sẽ đồng bộ, các đơn vị cứ chủ động làm chứ không phải xin phép nữa. Tất nhiên, khi thi tuyển thì đa số được, nhưng cũng có những cái chưa được thì mình phải hoàn thiện dần. Nhân vô thập toàn mà.
- Có giới hạn tuổi đối với những người tham gia dự thi không, thưa Bộ trưởng?
Không giới hạn tuổi. Mình chọn như vậy thì mới chọn được cán bộ trẻ. Để người ta có đầy đủ bằng cấp thì lại phải có độ tuổi nhất định.
- Nhưng cán bộ trẻ quá sợ không có kinh nghiệm?
Không, càng trẻ càng tốt. Có nước, Bộ trưởng ngoại giao ch��� 25-28 tuổi đấy thôi. Người giỏi là người phải biết kế thừa những kinh nghiệm của người đi trước, người vĩ đại là người biết đứng trên vai người khổng lồ.
- Với người trượt lần này thì có cơ hội thi ở lần tiếp theo không, thưa Bộ trưởng?
Hoàn toàn có cơ hội, thậm chí có cơ hội hơn bởi họ đã có kinh nghiệm. Nhưng nhiều khi cũng học tài thi phận, giỏi như Tú Xương cũng thi 5 lần vẫn trượt đấy thôi.
- Với những cán bộ đã ở trong diện quy hoạch rồi thì sao, thưa ông?
Thì cứ quy hoạch thôi. Mà bản thân họ cũng phải nỗ lực để thi.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi.
Tuệ Khanh - (bài, ảnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét