Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Chi bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam

ThS. ĐÔNG THỊ HỒNG - Đại học Lao động - Xã hội

(Tài chính) Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội (ASXH), điều đó thể hiện qua nhiều văn kiện khác nhau, được cụ thể hóa trong nhiều chương trình, chính sách trọng điểm của Việt Nam. Nguồn lực dành cho các chính sách, chương trình ASXH... được gọi là chi đảm bảo ASXH. Bài viết đánh giá về kết quả thực hiện chương trình và nguồn lực chi đảm bảo ASXH ở Việt Nam hiện nay.

Chi bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam

Nguồn lực dành cho các chính sách, chương trình ASXH... được gọi là chi đảm bảo ASXH. Nguồn: internet

Các chương trình và nguồn lực chi đảm bảo an sinh xã hội

Chính sách đối với hệ thống bảo hiểm xã hội

Nguồn lực chi đảm bảo ASXH được triển khai đồng bộ với 3 loại hình là: bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội - BHXH và bảo hiểm y tế - BHYT), bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Từ năm 2006 đến nay, BHXH đã được thể chế hóa thông qua việc ban hành Luật BHXH số 71/2006/ QH11 ngày 29/6/2006 theo hướng mở rộng các loại hình bảo hiểm, đối tượng tham gia, chế độ hưởng... đã tạo cơ hội cho người lao động, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH.

Trong giai đoạn 2008-2012, số lượng lao động tham gia BHXH đã tăng đáng kể, từ 8,54 triệu người năm 2008 tăng lên đạt 10,58 triệu người năm 2012. Số người tham gia BHXH bắt buộc năm 2012 đạt 10,44 triệu người, tăng 1,2 lần so với năm 2008 và số người tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu tăng nhanh từ năm 2010 và đến năm 2012 đạt 0,14 triệu người, tăng 1,8 lần so với năm 2010. Tỷ lệ dân số tham gia BHXH so với tổng dân số tham gia lực lượng lao động tăng từ 18,07% năm 2008 lên 20,57% năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp so với thực tế.

Đối với BHYT, BHYT bắt buộc cũng áp dụng cho người lao động trong khu vực chính thức, BHYT tự nguyện cho các đối tượng học sinh, sinh viên và mọi người dân, người nghèo được cấp thẻ BHYT, người cận nghèo được hỗ trợ theo tỷ lệ % mức đóng thẻ BHYT. Số lượng người tham gia BHYT ngày càng tăng, từ 3,7 triệu người năm 1993 lên khoảng 57 triệu người năm 2011. Đặc biệt, đã có chính sách BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ BHYT cho các hộ cận nghèo...

Trong giai đoạn 2006-2010, tổng chi BHXH đạt mức tăng bình quân 24,3%/năm, trong đó, ngân sách nhà nước tăng 16,4%/năm và quỹ BHXH tăng 37,1% năm. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP tăng mạnh trong giai đoạn 2007-2009, chiếm khoảng 3,5- 3,6% GDP, tuy nhiên, năm 2010 giảm nhẹ, còn chiếm 3,24% GDP.

Chính sách trợ giúp và ưu đãi xã hội

Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện chủ yếu theo hai chế độ: trợ giúp thường xuyên và trợ giúp đột xuất. Trợ giúp thường xuyên áp dụng với các đối tượng người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật nặng... với các hình thức bằng tiền, hiện vật để giúp đỡ các đối tượng này ổn định cuộc sống. Trợ giúp xã hội đột xuất áp dụng với các đối tượng gặp rủi ro, hoạn nạn, thiên tai hạn hán, hoả hoạn... có tính chất tức thời giúp đỡ con người vượt qua hoạn nạn, khó khăn.

Giai đoạn 2008 - 2011, qua 5 lần điều chỉnh, mức trợ cấp lương hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 85% so với thời điểm tháng 12/2007. Mức trợ cấp lương hưu bình quân hàng tháng đạt mức tăng bình quân 12,3%/ năm, năm 2011 đạt 2,47 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,43 lần so với năm 2008 (1,73 triệu đồng/người/tháng).

Tuy nhiên, mức trợ cấp lương hưu năm 2011 chỉ cao hơn 2,3 lần so với mức lương tối thiểu, trong khi đó năm 2008 đạt mức cao hơn 2,7 lần. Điều này phản ánh tình trạng mức trợ cấp hưu trí có tăng song vẫn không theo kịp mức tăng của tiền lương tối thiểu. So với mức lương tối thiểu, mức chuẩn trợ cấp thường xuyên vẫn còn quá thấp, không thay đổi theo xu hướng tăng của lương tối thiểu. Tuy nhiên, nhờ những điều chỉnh này mà sự chênh lệch giữa mức chuẩn trợ cấp xã hội thường xuyên với mức lương tối thiểu đã giảm từ 6,9 lần năm 2006 xuống còn 4,6 lần năm 2011.

So với chuẩn nghèo được áp dụng từ năm 2011 thì mức trợ cấp xã hội này vẫn còn rất thấp, chỉ bằng 45% chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn (Chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 ở khu vực nông thôn là 400 nghìn đồng, thành thị là 500 nghìn đồng). Ngoài ra, mức độ cải thiện chưa nhiều do lạm phát cao, năm 2011 mức chuẩn trợ cấp xã hội thường xuyên được điều chỉnh tăng thêm 50% so với năm 2007 nhưng chỉ số giá tiêu dùng cũng được điều chỉnh tăng tương ứng (43,5%).

Cùng với sự gia tăng về quy mô đối tượng hưởng lợi và mức chuẩn trợ cấp xã hội thường xuyên, ngân sách đầu tư cho trợ giúp xã hội thường xuyên đã tăng mạnh, đạt tốc độ tăng bình quân 45,4%/năm thời kỳ 2006-2011. Năm 2011, tổng kinh phí chi trợ cấp xã hội thường xuyên đạt 3,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,65% GDP), cao hơn 9 lần so với năm 2006 (431 tỷ đồng, chiếm 0,1% GDP).

Đối với việc thực hiện chính sách người có công, mặc dù số lượng người hưởng chính sách có xu hướng giảm từ 2,8 triệu người năm 2001 xuống 1,4 triệu người năm 2011 nhưng mức trợ cấp lại tăng lên (mức trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh năm 2012 tăng 26,7% so với trước đó, từ 876.000 đồng lên 1.110.000 đồng theo Nghị định số 47/2012/NĐ-CP); Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Chính phủ cũng đã đến với người nghèo và các đối tượng chính sách trong cả nước với mức hỗ trợ vốn cho trên 12,2 triệu luợt hộ nghèo.

Chính sách hỗ trợ dịch vụ xã hội cơ bản

Chương trình bảo đảm y tế tối thiểu đối với người cao tuổi: Qua 4 lần điều chỉnh diện đối tượng áp dụng chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí từ năm 2002 đến nay, số lượng người cao tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí tăng nhanh, đến năm 2009 đạt 373,7 nghìn người, tăng gấp 4 lần so với năm 2007 (104,6 nghìn người), đạt tốc độ tăng bình quân thời kỳ 2007-2009 là 89%/ năm. Tỷ lệ người cao tuổi được cấp thẻ BHYT so với tổng dân số từ 60 tuổi trở lên đến năm 2009 đạt 5%, tăng 3,8 điểm % so với năm 2007.

Thời kỳ 2007-2009, số lượt người cao tuổi sử dụng thẻ BHYT cho khám chữa bệnh đã tăng mạnh, đến năm 2009 đạt tổng số 596,8 nghìn lượt người khám chữa bệnh, tăng 4,2 lần so với năm 2007 (141,4 nghìn lượt người) và tốc độ tăng bình quân đạt 105,5%/năm. Tổng chi cho khám chữa bệnh năm 2009 đạt 115,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2 lần so với năm 2006 và tốc độ tăng bình quân đạt 148,5%/năm.

Chương trình bảo đảm y tế tối thiểu cho các nhóm đối tượng đặc thù khác: Giai đoạn 2001 - 2011, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm, từ 44,4‰ xuống 15,5‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, từ 58‰ xuống 24‰ và tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân đã giảm nhanh, ước chỉ còn 17,3%. Năm 2011, 96% phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván và trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai từ 3 lần trở lên đạt 83,4%; tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam đạt 73,2 tuổi.

Các chính sách hỗ trợ bảo đảm giáo dục tối thiểu đã góp phần tích cực cải thiện mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Giai đoạn 2001 - 2010, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh, trong đó mẫu giáo 5 tuổi tăng từ 72% lên 98%; tiểu học tăng từ 94% lên 97%; trung học cơ sở tăng từ 70% lên 83%; phổ thông trung học tăng từ 33% lên 50%.

Chính sách bảo đảm nhà ở tối thiểu: Thời kỳ 2002-2010, số hộ gia đình sống trong nhà kiên cố tăng từ 17,2% lên 49,2%. Trong 10 năm đã xóa nhà tạm cho khoảng 1 triệu hộ nghèo. Số hộ gia đình phải sống trong nhà tạm giảm từ 24,6% xuống 5,6% trong cùng thời kỳ, số hộ sống trong nhà thiếu kiến cố chỉ còn 7,5%.

Thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg và Quyết định 198/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2004 đến năm 2008 ngân sách trung ương đã bố trí 4.527 tỷ đồng và bổ sung 400 tỷ đồng trong 2 năm 2009 - 2010 (Quyết định 74/2008/QĐ-TTg) để hỗ trợ 370 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2011 ngân sách trung ương đã giải ngân 10.608 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho 470.000 hộ, đạt 95,3% so với dự kiến ban đầu (496.025 hộ) và 84,7% so với số hộ sau khi điều chỉnh bổ sung theo Quyết định 67/2010/ QĐ-TTg (557.800 hộ).

Chính sách bảo đảm nước sạch giai đoạn 2006 - 2010 đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tổng nguồn vốn huy động đạt 20.700 tỷ đồng, trong đó nguồn từ NSNN là 5.241 tỷ đồng cho xây dựng gần 1.600 công trình cấp nước tập trung tại các xã 135. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80% năm 2010, trung bình mỗi năm tăng 4,2%, có 8/63 tỉnh đã đạt được tỷ lệ trên 90%. Tỷ lệ hộ nghèo thuộc các xã 135 có nước sạch để sinh hoạt đã đạt mục tiêu đặt ra (80%).

Chương trình bảo đảm thông tin, truyền thông: Đến nay, Nhà nước đã cấp miễn phí 18 đầu báo, tạp chí và chuyên đề cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với tổng số lượng báo, tạp chí, chuyên đề phát hành hàng năm trên 31 triệu tờ. Giai đoạn 2006 - 2010, ngân sách trung ương đã chi 459 tỷ đồng cho các hoạt động này. Mạng thông tin viễn thông cơ bản phủ khắp cả nước, 84,6% các xã đã được phủ sóng phát thanh truyền hình. Nhiều đài trung ương và địa phương đã có chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc.

Chính sách phát triển thị trường lao động

Thực tế triển khai Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Quyết định 1956/QĐ-TTg) được triển khai thực hiện từnăm 2010, đến nay đã hỗ trợ dạy nghề cho 1,09 triệu lao động nông thôn (đạt 77,74% kế hoạch, bình quân mỗi năm đào tạo cho 0,36 triệu lao động); Tổng kinh phí đầu tư đạt 4,78 nghìn tỷ đồng; trong đó, 1,64 nghìn tỷđồng cho hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn; 2,93 nghìn tỷ đồng đầu tư cơ sởvật chất thiết bị dạy nghề và 0,25 nghìn tỷđồng cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã. Sau thời gian học nghề, sốlượng lao động nông thôn có được việc làm đạt 0,81 triệu người, chiếm 74,2% tổng số lao động được hỗ trợ học nghề.

Chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và hộ nghèo: Năm 2011, tổng dư nợ cho vay tín dụng đạt 88,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2009 (63,9 nghìn tỷ đồng), trong đó, có1,97 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn với tổng dư nợ cho vay đạt 33,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2009; tổng dư nợcho vay đối với hộ nghèo đạt 38,5 nghìn tỷ đồng vàđối với hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2009.

Kết quả đạt được và yêu cầu đặt ra

Đến nay, công tác bảo đảm ASXH đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được nhân dân đồng tình, quốc tế đánh giá cao: số hộ nghèo giảm từ 29% (năm 2002) xuống còn 9,5% (năm 2011). Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên mức 0,728 (năm 2011), xếp thứ 128/187 nước, thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Năm 2011 nước ta đã hoàn thành 6/8 nhóm Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) do Liên Hợp quốc đề ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015.

Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện ASXH còn hạn chế, chủ yếu dựa vào NSNN, với diện bao phủ và mức hỗ trợ thấp, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế. Khả năng cân đối giữa nguồn và sử dụng của hệ thống ASXH, kể cả các quỹ BHXH, BHYT và các chế độ bảo trợ xã hội còn hạn chế và gặp thách thức lớn cả trước mắt, cũng như trong trung và dài hạn. Nguồn lực đầu tư cho ASXH của Nhà nước khó đáp ứng được yêu cầu ASXH ngày càng tăng của người dân, trong khi đó huy động từ các nguồn khác, đặc biệt từ cộng đồng còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn.

Một số chính sách ASXH còn tồn tại những bất hợp lý; chưa có các chính sách ASXH đặc thù và phù hợp với dân cư nông thôn và các vùng dân tộc, miền núi có điều kiện sống khó khăn. Chất lượng cung cấp các dịch vụ ASXH, đặc biệt là dịch vụ y tế, còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng mức sống của dân cư....

Để pháp huy động nguồn lực tài chính thực hiện đảm bảo ASXH ở Việt Nam giai đoạn 2013-2020, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là,chi tiêu công cho các chương trình trợ giúp xã hội hiện nay còn thấp đòi hỏi phải có sự rà soát, cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng cho các chương trình trợ giúp xã hội, chương trình giảm nghèo và phát triển thị trường lao động;

Hai là,nâng mức chi đảm bảo ASXH ở mức hiện tại ước đạt 10% tổng chi NSNN lên 13,5% tổng chi NSNN nhằm nâng cao mức sống, mức hỗ trợ dành cho các nhóm đối tượng hưởng lợi (bao gồm hỗ trợ học học nghề, tín dụng dành cho hộ nghèo, hỗ trợ xuất khẩu lao động...);

Ba là,xác định mức sống tối thiểu và khả năng ngân sách làm căn cứ xây dựng mức chi đảm bảo ASXH dành cho các nhóm đối tượng BTXH sao cho hệ số 1 tiệm cận mức sống tối thiểu (hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 35% mức sống tối thiểu); dành cho nhóm BHXH có khả năng sống được bằng lương hưu và trợ cấp BHXH và có khả năng tích lũy đầu tư cho thế hệ sau (lương hưu của người lao động chỉ đạt khoảng 30 - 50% lương thực nhận của người lao động khi còn đang làm việc);

Bốn là,xác định mức chi hỗ trợ học nghề hợp lý thông qua việc cắt giảm chi phí cho các khâu trung gian nhằm tránh tình trạng nhiều người thuộc diện được hưởng chính sách không tỏ ra hứng thú và đã khước từ quyền lợi;

Năm là,xác định lại cơ chế đóng - hưởng BHYT sao cho tăng được nguồn chi trả viện phí đảm bảo cho đối tượng yên tâm đến chăm sóc sức khỏe tại các tuyến bệnh viện nằm trong danh mục quy định của cơ quan BHYT.

Ngoài ra, để thực hiện tốt, gỡ vướng cho chính sách chi đảm bảo ASXH, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành chức năng, thống nhất hướng dẫn thực hiện; định kỳ phối hợp kiểm tra, đánh giá từ cơ sở để tham mưu đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung và xử lý nghiêm minh những vi phạm.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 12 - 2013

Từ khoá: khó khăn việt nam miễn phí nền kinh tế bảo hiểm thất nghiệp gia phát triển thị trường nhà nước phát triển người nghèo chính phủ bảo hiểm bắt buộc bhxh lương hưu giáo dục đào tạo tín dụng chữa bệnh hạn chế bảo hiểm tự nguyện khám chữa bệnh xử lý nghiêm hỗ trợ loại hình bảo hiểm gdp chính sách trợ cấp người cao tuổi chăm sóc sức khoẻ quyết định bảo hiểm xã hội người lao động lao động dịch vụ bảo hiểm mức sống của dân cư nông thôn bão

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét