Phí Bảo hiểm xe ô tô: Thay đổi vì quyền lợi khách hàng
Thị trường bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân đang chứng kiến cuộc đua gay gắt giữa các công ty bảo hiểm phi nhân thọ bằng cách liên tục giảm phí để thu hút khách hàng. Biểu phí hiện đang được đa số các công ty áp dụng không dựa trên mức độ rủi ro của từng khách hàng mà chỉ nhằm vào việc làm sao để có thể bán được nhiều hợp đồng nhất.
Báo cáo mới nhất về thị trường ô tô tiêu thụ tháng 9-2013 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước (VAMA) cho thấy lượng xe ô tô tiêu thụ, cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, tiếp tục tăng cao. Cụ thể trong chín tháng đầu năm, lượng xe con tiêu thụ trên thị trường đạt gần 31.000 xe, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng ô tô nhập khẩu trong chín tháng đầu năm của cả nước đã lên 24.000 chiếc, tăng 23% so với cùng kỳ. Rõ ràng, nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân ngày càng tăng đang trở thành một phân khúc thị trường đầy tiềm năng cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Tuy nhiên, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết trong những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kể cả các doanh nghiệp lớn đều kinh doanh kém hiệu quả trong mảng bảo hiểm xe cơ giới cụ thể là mảng bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân.Theo ông Lộc nhận định, lý do là vì các doanh nghiệp do muốn mở rộng thị phần và tăng trưởng doanh thu nên đã cạnh tranh không lành mạnh. Bằng chứng rõ ràng của cuộc chạy đua thừa lượng thiếu chất này chính là thương hiệu bảo hiểm của các đại gia trong ngành được bày bán trên đường phố trong những tháng gần đây. Các biện pháp phi kỹ thuật như liên tục giảm phí và mở rộng điều khoản, điều kiện để thu hút khách hàng gián tiếp thừa nhận sự quan tâm chưa thích đáng giữa phí bảo hiểm và rủi ro được bảo hiểm.
Giám đốc nghiệp vụ của một công ty bảo hiểm trong nước thừa nhận các doanh nghiệp trong nước bị lỗ trong mảng bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân chính là do giảm phí nhiều. Đồng thời, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân của các công ty được xây dựng theo kiểu cào bằng vốn đã được áp dụng từ xưa đến nay dường như không còn phù hợp với tình hình thị trường hiện tại. Cụ thể, đa số biểu phí của các công ty bảo hiểm hiện nay chỉ căn cứ trên năm sản xuất của xe, đời xe dòng xe (7 chỗ hay 4 chỗ), và các điều kiện khác để tính phí. Điểm hạn chế của biểu phí này là không xét đến lịch sử bồi thường của xe hay kinh nghiệm lái xe của khách hàng. Điều này sẽ tạo ra sự bất công giữa các khách hàng, ví dụ như khách hàng chạy xe an toàn không gây tai nạn và khách hàng chạy xe gây tai nạn khi tái tục hợp đồng bảo hiểm, mức phí bảo hiểm nhận được vẫn như nhau. Việc tính phí chưa hợp lý vô tình tạo thêm sự ỷ lại cho những người chạy xe không cẩn thận vì đằng nào thì cũng được bồi thường. Riêng công ty bảo hiểm phải chịu nhiều tổn thất còn những tay lái an toàn thì bị thiệt thòi vì không nhận được ưu đãi.
Mở lối đi riêng
Khách hàng đang tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm tại GIC |
Đứng trước tình trạng kinh doanh kém hiệu quả liên tục qua các năm của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, Bộ Tài Chính đã đưa ra Thông tư 124/2012/TT-BTC có hiệu lực từ 1-10-2012 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, điều 40 của Thông Tư quy định trường hợp quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm không đảm bảo an toàn tài chính và ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm, Bộ Tài Chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dừng việc triển khai sản phẩm để tiến hành điều chỉnh các quy tắc, điều khoản, biểu phí và phải được Bộ Tài Chính phê duyệt trước khi tiếp tục triển khai. Hiện tại Bộ Tài Chính đang yêu cầu nhiều doanh nghiệp rà soát lại biểu phí sản phẩm bảo hiểm xe ô tô trình Bộ xem xét.
Trong điều kiện biểu phí sản phẩm bảo hiểm xe ô tô cá nhân trước nay được xây dựng không dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng về tình hình thị trường Việt Nam, việc điều chỉnh lại biểu phí để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn cũng là vấn đề không đơn giản với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Đa số các công ty này sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài, những chuyên gia định phí có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới để tiến hành phân tích số liệu, xây dựng lại biểu phí mới cho phù hợp.
Như vậy, những doanh nghiệp bảo hiểm có sở hữu của công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ có lợi thế hơn. Sau khi Tập đoàn Bảo hiểm ERGO của Đức tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần ở Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) từ 25% lên 35%, ERGO đã hỗ trợ GIC thay đổi biểu phí vật chất xe cơ giới. Các chuyên gia định phí từ tập đoàn ERGO đã phân tích dữ liệu từ GIC, kết hợp với nghiên cứu các đặc điểm giao thông Việt Nam để xây dựng lại biểu phí mới, tăng năng lực cạnh tranh của GIC trong nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân, bảo đảm quyền lợi cho tất cả khách hàng và phù hợp với thị trường trong bối cảnh hiện tại. Đại diện của GIC cho biết biểu phí mới sẽ xem xét những yếu tố thực tế như vùng miền, hiệu xe, tuổi xe, số tiền bảo hiểm và đặc biệt là lịch sử tổn thất. Như vậy, nếu khách hàng có lịch sử tổn thất tốt, lái xe an toàn thì sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.
Với biểu phí mới, GIC tạo ra sự công bằng cho các khách hàng khi mua bảo hiểm, thể hiện sự trân trọng đối với khách hàng, gửi gắm thông điệp ý nghĩa "Lái xe an toàn, nhận ngay phí tốt". Đây là một điểm sáng tích cực cho thấy các công ty bảo hiểm phi nhân thọ ngày càng quan tâm đến quyền lợi của khách hàng nhiều hơn và công ty bảo hiểm có thể giành được nhiều thiện cảm hơn khi không chỉ nghĩ đến lợi nhuận trong kinh doanh mà còn chung tay xây dựng cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức an toàn giao thông mà Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đang phát động năm nay.
Với các biện pháp quản lý vĩ mô từ Bộ Tài chính trong khâu kiểm soát các sản phẩm không đảm bảo an toàn tài chính cũng như định hướng xây dựng biểu phí công bằng hơn cho khách hàng, hy vọng thị trường bảo hiểm xe ô tô sẽ không còn tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật và các công ty bảo hiểm được khuyến khích tạo ra những sản phẩm mới kết hợp hài hòa giữa yếu tố kinh doanh và lợi ích cộng đồng như GIC - phát triển vì quyền lợi của khách hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét