(GDVN) - Không những thế, hiện nay ở Việt Nam hầu như người giúp việc gia đình (GVGĐ) không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc một loại bảo hiểm nào.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Minh, Viện nghiên cứu gia đình và giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Hội thảo "Lao động giúp việc gia đình và chính sách pháp luật liên quan" do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức sáng ngày 21/12 tại Hà Nội.
Ông Minh cho biết, hiện nay, nước ta có khoảng hơn 200.000 lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) , trong đó lao động GVGĐ là nữ chiếm tới hơn 90%. Ở các thành phố lớn, nhu cầu về lao động này đang ngày một tăng. Nguồn cung ứng lao động chủ yếu ở nông thôn. Các chủ sử dụng lao động hầu hết tìm người giúp việc qua quan hệ cá nhân, ít qua trung tâm giới thiệu việc làm vì vậy người giúp việc gia đình hầu như không được đào tạo kỹ năng nên chất lượng lao động không cao.
Toàn cảnh Hội thảo "Lao động giúp việc gia đình và chính sách pháp luật liên quan". |
Không những thế, hiện nay ở Việt Nam hầu như người GVGĐ không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc một loại bảo hiểm nào. Hợp đồng giữa chủ nhà và người giúp việc lại thường là hợp đồng miệng vì vậy rất khó xử lý khi có tranh chấp xẩy ra.
Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng nêu rõ vai trò của lao động GVGĐ trong việc giải quyết việc làm, giải phóng phụ nữ và đóng góp giá trị kinh tế cho các quốc gia. Đặc biệt, dự báo số lượng việc làm giúp việc gia đình trong năm 2015 sẽ tăng khoảng 63% so với năm 2008 (từ 157.000 lên 246.000 lao động) với 98,7% lao động là nữ giới.
Cũng theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng: Chỉ có 2% người giúp việc được gia chủ mua cho bảo hiểm y tế và 0,83% người giúp việc được gia chủ mua cho bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, mục 2, điều 181 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ: Người sử dụng lao động "trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, để người lao động tự do bảo hiểm. Tuy nhiên, với điều khoản này, ít gia chủ và người giúp việc biết đến và hầu như không thể thực hiện được.
Nói về chính sách đào tạo nghề cho người GVGĐ, theo Nguyên cứu "Việc làm bền vững đối với lao động GVGĐ ở Việt Nam" của ILO tại Hà Nội và TP.HCM năm 2011 cho thấy: Chỉ có 16/600 (2,8%) người đã được đào tạo về GVGĐ.
Theo đó, bà Ngô Thị Ngọc Anh cho biết thêm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân đã cam kết sẽ đưa danh mục lao động giúp việc gia đình vào danh mục nghề quốc gia. Khi đó, giúp việc gia đình sẽ chính thức trở thành một nghề, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo pháp luật như được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ hành nghề... và sẽ tránh được những kỳ thị, phân biệt từ xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét