Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Rắc rối chuyện đòi lương, bảo hiểm

Từ năm 2009, do làm ăn thất bát dẫn đến phá sản, Công ty TNHH Sao Đại Hùng (trụ sở tại Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã nợ lương của 326 người lao động với tổng số nợ là 4,1 tỉ đồng.

Hai năm kiện đòi được 1,1 tỉ đồng

Tháng 4-2011, Công đoàn Công ty Sao Đại Hùng được người lao động ủy quyền đã đại diện làm đơn kiện đòi nợ lương lên TAND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, tòa từ chối thụ lý vì cho rằng đây là vụ kiện tranh chấp cá nhân giữa từng người lao động với chủ sử dụng lao động chứ không phải tranh chấp lao động tập thể nên vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND huyện Cam Lâm. Trong khi đó, TAND huyện Cam Lâm thì cho rằng đây là vụ kiện lao động tập thể, thẩm quyền giải quyết thuộc TAND tỉnh Khánh Hòa.

Sau một thời gian hai tòa chỉ qua chỉ lại, trong số 326 người lao động bị nợ lương chỉ còn 163 người kiên trì nộp đơn kiện riêng lẻ lên TAND huyện Cam Lâm để đòi lại quyền lợi. Tuy nhiên, sau đó đã có tới 50 hồ sơ của họ bị tòa trả lại vì không đủ thủ tục, 12 hồ sơ bị đình chỉ và chỉ có 92 hồ sơ được đưa ra xét xử.

Công nhân Công ty TNHH Sao Đại Hùng tập trung đòi nợ lương trước cổng công ty. Ảnh: L.XUÂN

Ông Nguyễn Văn Hải (Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa) cho biết với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, trong hơn hai tháng ròng, từ ngày 17-7 cho đến cuối tháng 9-2013, ông đã phải tham dự 92 phiên tòa đòi nợ lương. Kết quả là tổng số tiền nhận được của 92 trường hợp được tòa xét xử là 1,1 tỉ đồng.

"92 phiên tòa này đều không hề có tranh luận vì ngay từ đầu phía bị đơn đã chấp nhận, xác nhận nợ lương của tất cả 326 công nhân có danh sách cụ thể kèm theo. Nhưng theo thủ tục thì vẫn phải xử theo đúng trình tự của một phiên tòa thông thường nên rất mất thời gian. Tôi cho rằng các cơ quan có trách nhiệm phải hướng dẫn rõ ràng là ngành tòa án phải thụ lý các vụ do ban chấp hành công đoàn cơ sở đứng ra đại diện người lao động khởi kiện tương tự thành vụ kiện lao động tập thể. Như vậy thủ tục xét xử sẽ rất đơn giản, nhanh và gọn, không tốn công sức, thời gian, tiền bạc của Nhà nước và người dân, đồng thời bảo vệ được đầy đủ quyền lợi của người lao động" - ông Hải nói.

Không được chốt sổ bảo hiểm

Công ty FLD Việt Nam (100% vốn nước ngoài, gọi tắt là FLD) được thành lập từ năm 2001. Năm 2008, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn. Trong quá trình giải quyết các thủ tục phá sản của Công ty FLD, TAND tỉnh Khánh Hòa đã giữ lại khoảng 10 tỉ đồng để giải quyết các khoản nợ của công ty này, trong đó có nợ các loại đối với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Khánh Hòa.

Theo tính toán của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Khánh Hòa, tính đến hết tháng 6-2013, Công ty FLD còn nợ hơn 7 tỉ đồng gồm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân và hơn 1,5 tỉ đồng tiền lãi phạt nộp chậm.

Đến tháng 8-2013, TAND tỉnh đã chuyển trả hơn 5,4 tỉ đồng (tạm gọi là tiền gốc các loại bảo hiểm) cho Bảo hiểm Xã hội tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, tòa này không đồng ý chuyển trả hơn 1,5 tỉ đồng tiền lãi phạt nộp chậm bởi theo quy định, công ty đã phá sản thì không thể tính lãi. Trong khi đó, phía Bảo hiểm Xã hội lại cho rằng theo Luật Bảo hiểm xã hội, tòa phải chuyển cả khoản hơn 1,5 tỉ đồng tiền lãi phạt nộp chậm này thì mới chốt sổ bảo hiểm xã hội cho công nhân được.

Vì giữa hai cơ quan trên không thống nhất được với nhau nên đến nay, người lao động của Công ty FLD (đã bán cho chủ đầu tư mới, làm thủ tục hoạt động trở lại sau khi phá sản xong) chỉ được tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đến tháng 9-2012, trong khi thực tế người lao động đã đóng đến tháng 6-2013.

Trao đổi, ông Bùi Đăng An, Trưởng phòng Quản lý thu bảo hiểm xã hội của tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu Bảo hiểm Xã hội và TAND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi cấp trên xin ý kiến giải quyết tình huống này với chủ trương miễn đóng tiền lãi phạt nộp chậm 1,5 tỉ đồng. "Chúng tôi đang chờ văn bản trả lời của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Đây là vướng mắc về quy định nên cấp trên chỉ đạo sao chúng tôi sẽ làm đúng như vậy" - ông An nói.

Về mặt thẩm quyền xét xử trong vụ tranh chấp tiền lương ở Công ty Sao Đại Hùng, nếu người lao động không ủy quyền cho ban chấp hành công đoàn mà tự đứng ra khởi kiện thì theo quy định, thẩm quyền xét xử thuộc về TAND huyện Cam Lâm.

Tuy nhiên, nếu tập thể người lao động ủy quyền cho ban chấp hành công đoàn khởi kiện thì theo quy định đó là tranh chấp lao động tập thể về quyền và thẩm quyền xét xử thuộc về TAND tỉnh Khánh Hòa. Bởi vào thời điểm khởi kiện, Công ty Sao Đại Hùng mới chỉ đang tạm ngưng hoạt động chờ tiến hành thủ tục phá sản chứ chưa có quyết định cho phép chấm dứt hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thẩm quyền, thủ tục, trình tự để giải quyết dạng tranh chấp lao động tập thể về quyền được quy định tại Mục III Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung năm 2006). Theo đó, sau khi các bên tiến hành một số thủ tục tiền tố tụng (hòa giải, yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết...), căn cứ vào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 BLTTDS thì TAND tỉnh Khánh Hòa chính là nơi có thẩm quyền giải quyết tiếp vụ kiện.

TSLÊ THỊ THÚY HƯƠNG, Trưởng bộ môn Luật lao động

ĐH Luật TP.HCM

LÊ XUÂN

Từ khoá: bão tranh chấp tham gia bảo hiểm công nhân luật bảo hiểm xã hội bảo hiểm bảo hiểm xã hội việt nam người lao động bộ luật lao động tiền bảo hiểm thủ tục công ty lao động khởi kiện khánh hòa bảo hiểm thất nghiệp phá sản bảo hiểm xã hội luật bảo hiểm lợi ích hợp pháp quy định giải quyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét