Cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay bị các doanh nghiệp phàn nàn là không sát với giá thị trường và họ không tự chủ được hoạt động kinh doanh
Theo báo cáo tài chính quý I/2014 hợp nhất mới được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố, lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 337 tỉ đồng; trong đó, lợi nhuận đến từ khối kinh doanh xăng dầu được đánh giá là không cao, với 28 tỉ đồng. Lỗ, lãi theo cơ chế Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết theo tính toán, khoản lãi 28 tỉ đồng từ xăng dầu nói trên chỉ chiếm 8% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Trong khi đó, lợi nhuận từ kinh doanh các sản phẩm hóa dầu như: dầu mỡ nhờn, gas, nhựa đường, hóa chất lớn nhất, chiếm đến 53%. Lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng đem lại 14% lợi nhuận. Vận tải đường bộ và đường thủy viễn dương chiếm khoảng 8% lợi nhuận. Các lĩnh vực còn lại, trong đó có kinh doanh xăng dầu ở nước ngoài và một số ngành nghề khác, chiếm khoảng 17%. Theo ông Năm, hiện nhà nước chỉ quản lý hoạt động kinh doanh, giá cả bán lẻ các mặt hàng xăng dầu khoáng; còn các sản phẩm hóa dầu thì không trong diện quản lý nên doanh nghiệp (DN) được tự kinh doanh theo giá thị trường. "Giá này vận hành theo nhịp điệu lên xuống của thị trường, không bị điều chỉnh bằng các mệnh lệnh hành chính. Lợi nhuận đến từ nhóm ngành hàng hóa dầu do đó luôn ổn định. Trong khi đó, mặt hàng xăng dầu hoạt động theo sự quản lý của nhà nước nên kết quả kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào chính sách" - ông Năm cho biết. Điều hành giá xăng dầu hiện nay của cơ quan quản lý còn nhiều bất cập Ảnh: HỒNG THÚY Điều này cũng giải thích vì sao mới đây, kết quả tạm đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý đầu năm 2014, Petrolimex ước tính bị lỗ khoảng 30 tỉ đồng từ xăng dầu nhưng báo cáo tài chính vừa công bố lại chuyển thành lãi 28 tỉ đồng. Một lãnh đạo của tập đoàn cho biết với sản lượng tiêu thụ mỗi quý của Petrolimex khoảng hơn 2 triệu lít xăng, chỉ cần chi phí lên xuống khoảng 5 đồng/lít thì đã ra mức chênh lệch lợi nhuận 10 tỉ đồng. Mức chênh lệch này liên quan đến hóa đơn các lô hàng về trước hoặc về sau, chi phí định mức được nhà nước cho phép cũng như các công cụ điều hành giá khác... Chu kỳ giá không sát thị trường Theo đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu quy định giá cơ sở được tính theo mức bình quân 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ tuy đã rút ngắn thời gian so với mức tính 30 ngày nhưng về bản chất hầu như không thay đổi, tức giá xăng dầu vẫn sẽ không theo nhịp thế giới. Đối chiếu bảng tính giá mà DN này cung cấp có thể thấy rõ điều này. Giả sử ngày 15-5 được lấy là ngày điều chỉnh giá và chu kỳ dự trữ 30 ngày được tính từ ngày 15-4 đến 15-5, khi đó giá cơ sở có sự chênh lệch không nhỏ nếu tính theo 2 cách: 15 ngày đầu dự trữ và 15 ngày sát ngày điều hành. Cụ thể, nếu lấy giá cơ sở là 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ, đến ngày 15-5, giá xăng phải điều chỉnh tăng 600 đồng/lít. Nhưng nếu lấy giá cơ sở 15 ngày sát ngày điều hành thì không phải tăng giá do đang hòa vốn. "Cách làm này không theo tiền lệ của bất kỳ nước nào trên thế giới khi thực hiện theo giá thị trường, ngay cả khi có sự điều hành của nhà nước" - đại diện Saigon Petro khẳng định. Còn theo một DN đầu mối khác, nếu tính giá cơ sở theo chu kỳ 15 ngày đầu dự trữ sẽ xảy ra tình trạng một số thương nhân đầu mối tranh thủ cơ hội "trục lợi". Theo đó, nếu giá 15 ngày sát chu kỳ điều hành giá thấp hơn giá cơ sở, DN có thể tranh thủ nhập nhanh hàng về rồi đưa ra thị trường tiêu thụ với mức thù lao rất cao để hưởng chênh lệch. Còn ngược lại thì một số DN đầu mối có thể hoàn toàn không tham gia thị trường, trong khi các DN khác vẫn phải nhập hàng bình thường và "ôm" luôn phần tiêu thụ của các DN "cơ hội" kia. "Những DN đầu mối có nguồn hàng ổn định không thể thực hiện được điều đó, vẫn phải vừa nhập với giá cao vừa cạnh tranh hoa hồng gây thua lỗ" - đại diện DN này phân tích. Đánh giá về công tác điều hành xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết: "Về mặt chủ trương, cần phải dần loại bỏ quyết định hành chính để điều hành bằng cơ chế chính sách ổn định, đồng thời phải tách bạch giữa quản lý nhà nước và việc can thiệp vào hoạt động của DN". Tách giá cơ sở và tồn kho Quan điểm của Saigon Petro cho rằng nên hiểu giá cơ sở hoàn toàn không liên quan đến tồn kho. Giá cơ sở là giá thế giới tại thời điểm điều hành giá, còn tồn kho là thực hiện theo yêu cầu kinh doanh của DN và yêu cầu của nhà nước. "Khi giá thế giới tăng thì tồn kho giá thấp có lợi; ngược lại, khi giá thế giới giảm, tồn kho giá cao bị thiệt, do đó bù trừ được lẫn nhau. Khi tách biệt giá cơ sở và tồn kho thì giá sẽ theo giá thị trường, chúng ta hoàn toàn không lo ngại xảy ra tình trạng như nêu trên và dư luận cũng không thể phàn nàn được" - vị đại diện Saigon Petro nói. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét