Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Phó giám đốc xem thường ATLĐ: Ba kĩ sư, công nhân chết oan

(CATP) Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương thành lập tháng 4-2013, do ông Tăng Văn Đức làm chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trương Hải làm giám đốc, trụ sở đặt tại lô A18 Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM. Đây là công ty từng nhiều lần bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm do gây ô nhiễm môi trường với số tiền phạt hàng tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị phát hiện có nhiều sai phạm trong sử dụng lao động, xây dựng trái phép, nợ bảo hiểm xã hội... Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TPHCM đã kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát TPHCM, đề nghị truy tố phó giám đốc phụ trách môi trường Trịnh Thị Phương Mai (31 tuổi, ngụ Q7) về hành vi "vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động", dẫn đến cái chết thương tâm của ba kĩ sư, công nhân công ty là Nguyễn Minh Tuân, Lê Phát Tài và Huỳnh Thanh Tài.

Hào Dương có một khu xử lý nước thải gồm các bể chứa, lắng và thu gom bùn, thông nhau qua hệ thống đường ống. Quá trình hoạt động, đường ống dẫn bùn từ bể lắng một sang bể thu gom bùn bị nghẹt. Ngày 24-4-2013, kỹ sư Nguyễn Minh Tuân - Phòng môi trường - báo cáo Phó giám đốc Mai (được bổ nhiệm ngày 20-5-2011) hiện tượng trên và đề xuất xử lý bằng cách gắn đường ống nước sạch vào ống dẫn bùn bị nghẹt, sau đó dùng bơm công suất lớn bơm nước tạo áp lực đẩy bùn ra. Được bà Mai đồng ý, 9 giờ sáng 24-4-2013 kĩ sư Tuân xuống hiện trường chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, thay vì hút nước sạch từ sông vào để thông đường ống, kĩ sư Tuân hướng dẫn sử dụng máy bơm hút nước thải của bể lắng một đẩy vào.

Các công nhân Nguyễn Văn Đủ, Huỳnh Thanh Tài, Trần Quốc Trí được phân công thực hiện. Anh Tài dùng thang tre xuống đáy bể gắn đường ống dẫn nước thải vào ống dẫn bùn bị nghẹt thông qua máy bơm nước. Anh Đủ đứng trên bể lắng một và hồ thu bùn gắn các đoạn ống. Anh Trí có nhiệm vụ đấu nối dây điện vào máy bơm và theo dõi hoạt động. 10 giờ 15 cùng ngày khi đường ống dẫn bùn thông, anh Tài xuống bể thu gom bùn để tháo đường ống ra. Nhưng mới gỡ được một số bù - loong thì khí đọng và nước thải từ hồ lắng một chảy qua đường ống vừa thông khiến anh ngạt thở. Tài vội vàng leo lên thang tre nhưng được nửa chừng thì ngất xỉu, rơi xuống bể thu gom bùn. Kĩ sư Tuân đứng trên bể giám sát bèn leo xuống đưa anh lên nhưng cũng bị ngạt khí, ngã xuống. Anh Đủ thấy vậy liền tri hô để mọi người ứng cứu. Lúc này, công nhân Lê Phát Tài làm việc gần đó chạy lại, leo xuống bể cũng ngạt thở, rơi xuống như hai người trước. Kết luận pháp y cho thấy cả ba tử vong do sặc bùn đường thở.

Nguyên nhân vụ tai nạn lao động thương tâm trên là do các kĩ sư, công nhân không thực hiện biện pháp an toàn theo quy định khi thông đường ống. Trách nhiệm thuộc về Phó giám đốc phụ trách môi trường Trịnh Thị Phương Mai. Cụ thể, bà Mai không yêu cầu kĩ sư Tuân lập kế hoạch, phương án thực hiện bằng văn bản, không đưa ra phương thức xử lý đúng quy định, không giám sát quá trình thực hiện để nhắc nhở các công nhân tuân thủ quy định về an toàn lao động.

Lẽ ra theo quy trình, Phó giám đốc Mai phải chỉ đạo công nhân rút sạch nước và chất thải ở bể lắng một, thu gom hết bùn từ hố ra ngoài, sau đó sử dụng nước sạch thông ống, mặt khác công nhân thực hiện phải mang mặt nạ chống độc và thắt dây an toàn...                                       

Từ khoá: công ty công ty cổ phần tphcm bảo hiểm xã hội an toàn lao động tai nạn lao động môi trường quy định lao động an toàn công nhân hội đồng quản trị giám đốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét